“Những bàn chân lặng lẽ…”

Về làm dâu gia đình có truyền thống phục vụ trong ngành công an, tôi hiểu thấu câu đây là nghề “ngày không có giờ, năm không có tháng”.

Đã 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ chồng tôi ngồi lặng lẽ một mình trên ghế trong đêm giao thừa. Năm đó, bố chồng tôi – một cán bộ quản giáo phải trực Tết; em chồng tôi công tác ở lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng phải ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Tết chỉ có vợ chồng tôi, mẹ và cô em gái. Hơn 30 năm làm vợ, số lần mẹ đón Tết cùng chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và nay, những dịp cả gia đình có thể sum họp lại càng hiếm hoi, dù chồng tôi và em trai công tác trong cùng một địa phương.

Thời của chúng tôi, phương tiện giao thông và liên lạc hiện đại hơn nên khoảng cách không gian, thời gian được rút ngắn phần nào. Tuy ít phải chịu cảnh “vợ chồng ngâu” như bố mẹ mình, nhưng làm vợ lính, tránh sao những lo lắng và buồn tủi. Cái cảm giác giữa đêm một mình ôm con nhỏ trong khi mưa bão vần vũ trên đầu, mái nhà trọ có thể bị thổi tung bất cứ lúc nào vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Những đêm con sốt, những lần một mình ôm con đi viện hay những giấc ngủ chập chờn, phấp phỏng khi chồng đi làm nhiệm vụ, có lẽ là cái cảnh mà bất cứ người vợ lính nào cũng phải trải qua. Cái từ “trực” hay “trực chiến” quen thuộc đến nỗi hai đứa con của tôi chẳng còn thắc mắc bố đi đâu mà không về.

Nhiều khi ngồi trò chuyện, bạn bè thường nói với tôi rằng “lấy chồng công an” ổn định và lương cao. So với mặt bằng chung, thu nhập của một người cảnh sát có thể nhỉnh hơn chút, thế nhưng tôi dám chắc rằng, tất cả người vợ lính sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn để đổi lấy sự yên tâm mỗi khi chồng đi làm nhiệm vụ, để chồng có thời gian dành cho con nhiều hơn.

Một Trung úy cảnh sát cơ động mà tôi quen đã phải cố gắng để không khóc khi kể về gia đình mình. Cậu vào ngành 6 năm nhưng mới chỉ có duy nhất một năm được ăn Tết trọn vẹn đúng nghĩa với gia đình, chưa kể ngày lễ luôn soạn sẵn tin nhắn “bố trực” để nhắn cho vợ. Vợ cậu ấy chưa có việc làm ổn định, con nhỏ thường xuyên ốm đau, mức lương của một Trung úy khó có thể lo được cho cả gia đình, nói gì báo hiếu bố mẹ. Và cái quan trọng nhất, vì tính chất nhiệm vụ, cậu ấy khó có thể ở cạnh gia đình vào những thời khắc quan trọng nhất trong năm theo truyền thống của người Việt.

nhung ban chan lang le
(Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Nghề báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc, được nghe nhiều chiến sĩ công an kể về công việc, về gia đình của họ. Thực ra, họ ít nói chuyện nghề, bởi đó là lựa chọn, là lý tưởng sống và là nhiệm vụ mà họ muốn gánh vác. Tôi quen và thân với một cậu em công tác trong đơn vị phòng chống ma túy, từng bị đối tượng bắn. Mỗi khi nghe tin có chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy bị thương, hy sinh, tôi gọi điện và chỉ thở phào khi điện thoại có người bắt máy. “Chị yên tâm, em của chị vẫn chưa sứt mẻ gì đâu, đang chui trong rừng, nhai lương khô trừ bữa đây. Nó bắn trúng một anh trong ban chuyên án…”, giọng cậu chùng xuống. 4 năm trước, nhân một lần lập công lớn, cậu được nghỉ phép. Một ngày sau, tôi nhận được tin nhắn “Chị ơi, bố em mất rồi…”. Có lẽ điều an ủi duy nhất của cậu là có thể ở bên bố trong những giây phút cuối cùng!.

Hôm nay (19/8) là ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân. Trong xã hội nghề nào cũng có vất vả riêng. Khi chọn nghề công an, những người trong gia đình tôi và các cán bộ, chiến sĩ công an mà tôi quen biết đều lường trước khó khăn, gian khổ, thậm chí là hiểm nguy đến tính mạng. Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc trong khi chữa cháy tại Hà Nội hay của Đại úy Hồ Tấn Dương (Công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), cùng biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã ngã xuống trong thời bình khiến người ở lại không khỏi đau đớn, xót xa. Nhưng sự hy sinh ấy không uổng phí và không bao giờ bị lãng quên. Và những đồng đội của họ, vẫn thường trực đối mặt với mất mát khi cuộc chiến chống lại cái ác, cái xấu vẫn đang hết sức cam go.

Nghề công an, nghề “ngày không có giờ, năm không có tháng” và đằng sau mỗi chiến công không chỉ là những cam go, mất mát, hy sinh mà cả những khoảng lặng và lắm nỗi day dứt về trách nhiệm chưa tròn của người chồng, người cha, người con trong gia đình. Dằn lòng xuống, những bàn chân vẫn lặng lẽ bước trên con đường đã chọn, bởi phía trước mỗi người Công an là cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích