Thông điệp của Thủ tướng giúp cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá

Nếu thông điệp “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới.

thong diep cua thu tuong giup cong dong kinh doanh viet nam vuot len but pha
TS. Tô Hoài Nam: Kết quả thực tế thời gian qua khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ – Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đây là chia sẻ của TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Chính phủ thiết kế nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh

Theo TS. Tô Hoài Nam, Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh đại bộ phận doanh nghiệp đều bị tổn thương do phải chịu sự tác động bất lợi của đại dich COVID-19, “sức khỏe” của cả doanh nghiệp, lẫn người lao động đã bị “bào mòn”.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích ứng linh hoạt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch.

7 tháng đầu năm 2022 cũng là 7 tháng đầu của quá trình Việt Nam phục hồi kinh tế, đồng thời cũng là thời điểm thế giới tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo xu hướng không tập trung, không phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, để hạn chế rủi ro khủng hoảng thiếu hụt hàng hoá.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, Chính phủ đã xây dựng, thiết kế nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh và môi trường kinh doanh.

Điển hình như: Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và nhiều chính sách khác.

Hệ thống các chính sách này thực sự kịp thời và cần thiết với cộng đồng kinh doanh, nếu đặt trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian triển khai, thực tiễn đã kiểm nghiệm về ý nghĩa, tác dụng của chính sách này, góp phần quan trọng để tạo ra động lực kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Nhờ đó, 7 tháng đầu năm với những kết quả cụ thể đạt được trong sự tăng trưởng của nhiều chỉ số kinh tế, có thể đánh giá một cách chung nhất là phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều có bước tăng trưởng và trở lại hoạt động bình thường, phần lớn đều đạt ở mức phục hồi 80-90% trong “điều kiện bình thường mới”.

Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù chịu nhiều sức ép từ bối cảnh thế giới có những biến động không thuận lợi. Lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng đề ra, tỉ giá ngoại tệ tương đối ổn định, giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành hàng, thị trường nội địa đang phục hồi ở mức độ trên dưới 80%…

Với tư cách là đại diện của 97% doanh nghiệp trong nước, VINASME cho rằng kết quả thực tế trên khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh, để khu vực này nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới”, TS. Tô Hoài Nam bày tỏ.

Từ bối cảnh đó, với những thuận lợi và khó khăn trong 7 tháng đầu năm 2022, thông điệp “4 ổn định, 3 tăng cường, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý định hướng về môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Đó là sẽ tiếp tục giữ nguyên động lực phát triển của những tháng đầu năm. Trong “4 ổn định”, có giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, cho phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đối với “ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”, theo TS. Tô Hoài Nam, trước mắt ưu tiên tạo việc làm và khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ.

3 nội dung tăng cường cho thấy bằng mọi giá phải thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đất nước, nhân dân và doanh nghiệp được an toàn trong điều kiện bình thường mới.

Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để trên mọi phương diện kinh doanh và đời sống xã hội. Thực hiện sử dụng ngân sách cho mọi hoạt động phải hiệu quả, thiết thực, không hình thức, không lãng phí…

Và “1 kiên quyết không” là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả chắc chắn.

“Lợi ích của việc này bao hàm rất rộng. Tuy nhiên, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích, khai thác nó để tăng cường hơn độ chính xác trong việc dự báo và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho mình, đây là yếu tố chủ động rất cần thiết trong bối cảnh tình hình diễn biến kinh tế thế giới vẫn khó lường như hiện nay”, TS. Tô Hoài Nam nêu quan điểm.

Ở góc nhìn tích cực hơn, có thể nhận thấy nếu thông điệp “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không” được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương thì sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế xét trên cả hai phương diện địa chính trị và quốc gia tham gia nhiều hiệp định thế hệ mới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo TS. Tô Hoài Nam, quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã rất rõ ràng. Quan trọng là nhận thức và hành động cụ thể của các cấp, các ngành. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có một vài điểm cần ưu tiên quan tâm thực hiện trước.

Đó là, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết, đoàn kết, từ đó tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo nghiên cứu khảo sát của VINASME, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa dám hành động quyết liệt. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục hành động quyết liệt, khi cần phải dám tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng Nhà nước đã ban hành.

Những cụm từ đơn giản mang tầm chiến lược

thong diep cua thu tuong giup cong dong kinh doanh viet nam vuot len but pha
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XV

Chia sẻ về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XV nhìn nhận: Thông điệp chính là sự cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những cụm từ rất đơn giản, dễ nhớ nhưng mang tầm chiến lược.

Thủ tướng nhấn mạnh đến “4 ổn định” – những vấn đề trọng tâm nhất của năm 2022 này. Năm nay, chúng ta chắc chắn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đặt ra từ đầu năm và theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì con số đó sẽ giao động ở 7-7,5%. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trước tình hình lạm phát của thế giới đang rất cao. Thứ hai là phải ổn định được các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, nhất là phải ổn định được giá cả.

Thứ ba là ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trước diễn biến phức tạp trên thế giới và những băng nhóm tội phạm ở trong nước bởi việc đem lại sự bình yên cho người dân rất quan trọng.

Cuối cùng là ổn định về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. “4 ổn định” này rất quan trọng, là nền tảng để chúng ta hướng đến phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Theo chuyên gia Trần Hoàng Ngân, những chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt và đi vào trọng tâm. Đối với “3 tăng cường” thì tăng cường về y tế là quan trọng nhất trong tình hình kiểm soát dịch bệnh. Và để bảo vệ sức khỏe nhân dân thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Hơn nữa, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các chỉ thị, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ nhất trí với nội dung “2 đẩy mạnh” bởi, phải tạo nguồn cung hàng hóa, tránh sự khan hiếm nguồn cung mà ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Vì vậy, cần phải hỗ trợ cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công chính là một động lực tăng trưởng rất quan trọng, giúp giải quyết những điểm nghẽn, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa xã hội, hạ tầng số nhưng điểm yếu lâu nay mà chúng ta cần đẩy mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu giảm những chi tiêu không cần thiết và không điều hành giật cục, tức là nâng cao tầm quản trị nhà nước, giúp quản trị hiệu quả hơn, điều hành nhịp nhàng hơn. Đó đều là những chỉ đạo giúp lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dễ nhớ để triển khai.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích