Nhà thầu xây dựng kêu cứu

Gần 100% nhà thầu xây dựng đang gặp phải tình trạng nợ đọng từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần luật hóa trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư.

Tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng – Kiến nghị và giải pháp” do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức sáng 18/8, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xây dựng kêu khó về tình trạng nợ đọng tiền, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà thầu.

Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết hiện có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng công nợ đến 31/3 lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý Nhà nước là 1.004 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng.

Hay Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng…

Thực tế, nợ đọng xây dựng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua của các nhà thầu xây dựng. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc xây dựng Trường Sơn, nợ đọng của doanh nghiệp chủ yếu diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ… Nợ đọng không chỉ 5 năm gần đây mà có những khoản nợ kéo dài trên 10 năm.

nha thau xay dung keu cuu
Doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Không làm thì chậm tiến độ, mà làm thì công nợ chịu lãi vay ngân hàng. Ảnh: Phạm Trường.

Chủ đầu tư chây ì nợ hàng chục năm

“Do sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao; chủ đầu tư chiếm dụng vốn, chây ì trong việc trả nợ. Đặc biệt công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài vướng mắc, chồng chéo các thủ tục…”, ông Ngọc lý giải.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó giám đốc kinh doanh Tập đoàn Cienco 4, cho biết hiện nay các nhà thầu làm xong công trình hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán. Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để.

Hiện tại, tổng nợ đọng của doanh nghiệp này là 187 tỷ đồng trong đó, điển hình là Cầu Đông Trù (22,5 tỷ), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ), cầu Hòa Trung (74,2 tỷ), gói J3 Bến Lức – Long Thành (19,7 tỷ)…

nha thau xay dung keu cuu

Vốn có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng song đại diện Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thừa nhận ở một số trường hợp, tập đoàn đã đồng ý cắt giảm lợi nhuận để thương lượng nhưng chủ đầu tư nhiều lần đưa ra các đề nghị vô căn cứ và áp đặt đơn phương nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán.

“Quá trình thương lượng diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn không thể thu hồi được nợ. Cuối cùng doanh nghiệp phải đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp”, đại diện bộ phận pháp lý tập đoàn này chia sẻ.

Theo đại diện Hòa Bình, có nhiều dự án tại doanh nghiệp kéo dài cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư không ký hồ sơ nghiệm thu buộc doanh nghiệp phải khởi kiện.

“Nhà nước nên có cơ chế đặc biệt đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư, bởi nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính mới dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn như hiện nay. Tại Hòa Bình, con số nợ đọng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng”, đại diện tập đoàn nhấn mạnh.

Nhà thầu muốn có bảo lãnh thanh quyết toán

Theo ông Hoàng Trung Kiên, để giải quyết tình trạng vướng mắc nợ đọng trong xây dựng, chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất 30% cuối cùng của dự án.

“Khi sửa đổi Luật Xây dựng cần đưa vấn đề này vào luật, hoặc về cơ chế của chủ đầu tư cũng phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng”, ông đề xuất.

Ngoài ra, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, cần có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán và bố trí vốn cho riêng từng gói thầu, không để tình trạng các gói thầu trong cùng một dự án phải chờ đợi nhau, phải hoàn thành toàn bộ quyết toán các gói thầu thì mới có cơ sở quyết toán dự án và bố trí vốn.

nha thau xay dung keu cuu
Nợ đọng lớn đang khiến nhiều nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí phá sản. Ảnh: Phạm Trường.

Chẳng hạn, dự án cầu Đông Trù, phía Cienco 4 đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành và quyết toán thời gian đã lâu, tuy nhiên vẫn chưa bố trí vốn do phải chờ đợi các gói thầu khác hoàn thành quyết toán với chủ đầu tư.

Nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết được thì 5-7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất.

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp.

Ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí COMA, đề xuất một công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng thì tất cả các công việc của dự án đó phải được coi như đã hoàn thành và phải được thanh toán.

“Bên cạnh đó phải có quy định và thực hiện nghiêm sau 1-2-3 năm (tùy cấp độ và quy mô vốn) kể từ ngày bàn giao công trình phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu còn phê duyệt sau đó là trách nhiệm của các bên liên quan”, ông nói.

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết được thì 5-7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất. Vì vậy, đây là tiếng kêu cứu của ngành xây dựng mà cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc.

Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng cần luật hóa để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Chúng tôi dự kiến bàn VCCI để đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư.

“Các công trình xây dựng có vốn FDI ở Việt Nam đều có trách nhiệm pháp lý rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm thanh toán sòng phẳng, nghiêm chỉnh. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp xây dựng cũng phải tự đổi mới mình để có đủ năng lực tài chính, đội ngũ kỹ thuật…”, ông Hiệp nhìn nhận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích