Trung Quốc tiết lộ kế hoạch không gian táo bạo
Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch phóng một phi đội các tấm pin mặt trời dài 1,6km vào không gian vào năm 2035, Daily Mail ngày 18.8 đưa tin.
Ý tưởng về một trạm năng lượng không gian được nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đề xuất lần đầu tiên vào năm 1941. Ảnh chụp màn hình |
Các báo cáo cho rằng, sau khi hoạt động hoàn toàn vào năm 2050, hệ thống pin mặt trời này có thể có công suất tương đương với một nhà máy điện hạt nhân. Nó sẽ truyền năng lượng trở lại Trái đất để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Ý tưởng về một trạm năng lượng không gian được nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đề xuất lần đầu tiên vào năm 1941 và đã được một số quốc gia bao gồm cả Anh và Mỹ khám phá. Bên trên Trái đất, không có các đám mây có thể cản tia Mặt trời, do đó một trạm năng lượng mặt trời không gian có thể trở thành một nguồn năng lượng ổn định mà không phát thải carbon.
Chính phủ Trung Quốc dường như đã sẵn sàng chuyển từ việc khám phá khoa học và công nghệ đằng sau ý tưởng này sang việc đưa hệ thống vào thực tế.
Tại thành phố Trùng Khánh, Chính phủ Trung Quốc đã đặt nền móng cho một trạm năng lượng mặt trời không gian Bishan mới và sẽ bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm nay với hy vọng sẽ có một trạm năng lượng mặt trời 1 megawatt vào năm 2030. Đến năm 2049, tổng công suất điện của trạm có thể nâng lên thành 1 gigawatt, sản lượng tương đương với lò phản ứng điện hạt nhân lớn nhất Trung Quốc.
Không rõ tổng chi phí để phóng hoặc vận hành một trạm phát điện không gian là bao nhiêu, nhưng nó dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2035 và đạt công suất vào năm 2050.
Nguồn: Báo xây dựng