Bỏ quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô
Cụ thể, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Như vậy, sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu được Bộ này ban hành chính thức được bãi bỏ. Bởi các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ôtô.
Trước đây nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020″ của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Mục đích của quy định phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô (tính điểm theo mức độ rời rạc).
Theo giới chuyên gia, việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.
Ảnh minh hoạ
Việc bãi bỏ các quy định nêu trên cũng không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học và công nghệ. Đồng thời, bảo đảm được các điều ước và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.
Cụ thể, bãi bỏ các quy định trên không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.
Hiện nay, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hơn nữa, việc ký kết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như ATIGA, CPTPP, EVFTA… là cơ hội để các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn. Vì vậy, tại các nghị định, thông tư đã ban hành, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc, đảm bảo phù hợp với thực tế.
Phong Lâm