Diễn đàn Công nghệ số châu Á – Thái Bình Dương 2022, Việt Nam đứng top 5 quốc gia tham dự

Hơn 70 quốc gia tham dự ITAP 2022

Kinh tế thế giới luôn thay đổi kéo theo nhiều thách thức mới đối với chủ doanh nghiệp và các nhà sản xuất. Đứng trước những khó khăn mới, các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 là chìa khóa giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động kinh doanh và tăng đà phát triển trong thời gian ngắn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Công nghiệp 4.0 cho phép quy trình làm việc trở nên hiểu quả và tối ưu, các chủ đề được tập trung xem xét: hệ sinh thái công nghiệp hậu đại dịch Covid, nỗi lo khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trước các tác động sự kiện thế giới; vào ngày 18 – 20/10/2022 tới đây, chuỗi sự kiện Diễn đàn chuyển đổi Công nghệ số châu Á – Thái Bình Dương (ITAP 2022) tổ chức lần thứ 5 sẽ tập trung xoay quanh 3 khía cạnh tạo xu hướng và phát triển có sự tác động mạnh mẽ đến sự phá triển bền vững của doanh nghiệp, tạo đề tiền đề cho việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Có hơn 18.000 doanh nghiệp tham gia ITAP 2022, với các đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó dẫn đầu là một số nước, trong đó có Việt Nam nằm trong top 5, kết nối cùng rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến từ nhiều quốc gia. Chủ đề số hóa, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo là 3 lĩnh vực quan trọng trong xã hội số được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Chúng tôi hiểu rằng sản xuất là động lực cho nhiều đất nước đồng thời phải bảo vệ môi trường. Và rất vui là chúng tôi đã tạo ra được những diễn đàn để nhiều quốc gia và công ty cùng tham gia cả offline lẫn online để cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp cho số hóa, ứng dụng AI cũng như cải tiến hoạt động sản xuất trong tương lai” – ông Darren Seah, Giám đốc kinh doanh của Constellar nhấn mạnh trong buổi hội thảo tiền đề chiều ngày 10/8.

Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố Mới Bình Dương (WTC BDNC) vốn có nền tảng tổ chức nhiều sự kiện công nghệ và kết nối quốc tế, được lựa chọn làm địa điểm ITAP 2022 tại điểm cầu Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam nói chung, và tỉnh Bình Dương nói riêng, đang hướng về công tác số hóa, chuyển đổi số như một xu hướng tất yếu, sống còn của mọi doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ 4.0 đã được áp dụng trong phát triển công nghiệp, đô thị và hiện nay chú trọng phát triển dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng.

Ngoài ra, các dự án, kế hoạch theo định hướng phát triển công nghiệp 4.0, cũng như phát triển đề án “Thành phố thông minh” tại Bình Dương đã đi vào hoạt động, và cho thấy những hiệu quả tích cực, cụ thể là các dự án chiến lược về công tác chuyển đổi số: chuyển đổi số công tác quản trị và vận hành doanh nghiệp; VNTT – Trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và dịch vụ CNTT; WTC BDNC – Kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa Chuyển đổi số; BIM – Chuyển đổi số trong xây dựng…

“ITAP 2022 tập trung vào các khía cạnh gồm số hoá (digitalization), kết nối và phát triển nguồn lao động (talent & workforce development), môi trường bền vững (environmental sustainability). Khía cạnh số hoá được xem là việc ứng dụng linh hoạt các công cụ đổi mới sáng tạo, phân tích dữ liệu, và xây dựng hệ thống công nghệ tích hộ, quản lý hiệu quả nguồn dữ liệu, nâng cao năng suất với chi phí thấp hơn, tối ưu hoá quản lý vận hành. Khía cạnh kết nối và phát triển nguồn lao động được xem là việc nâng tầm nguồn nhân lực, sẵn sàng thích ứng và theo kịp với cơ cấu tổ chức cho đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, doanh nghiệp hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh – giảm thiểu lượng khí Co2 thải ra môi trường, nằm duy trì sự phát triển bền vững doanh nghiệp” – bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố Mới Bình Dương cho hay.

Tọa đàm trả lời nhiều câu hỏi hóc búa về chuyển đổi số
Tọa đàm trả lời nhiều câu hỏi hóc búa về chuyển đổi số.

Tiếng nói của thị trường Việt Nam

“Tiếng nói thị trường – Voice of the Markets” với chủ đề “Thúc đẩy hệ sinh thái sản xuất Việt Nam với giải pháp công nghiệp 4.0” diễn ra chiều ngày 10/8 nhằm làm nổi bật sự phát triển của ngành Công Nghiệp 4.0 tại Việt Nam và tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản xuất trong khu vực.

Tham dự hội thảo, có rất nhiều chuyên gia đến từ Hà Nội, các tỉnh thành trên toàn quốc và nhiều đại diện tham dự trực tuyến từ nước ngoài. Kết nối trên nền tảng họp trực tuyến, từ Singapore, đại diện của Singapore Polytechnic International phát biểu về chủ đề làm thế nào để chuyển đổi kỹ thuật số có thể giúp các nhà sản xuất nâng cao trải nghiệm của nhân viên và thu hút nhân tài.

Trong khi đó, tại phòng hội thảo, xoay quanh các ngành nghề: Điện & điện tử, chất bán dẫn, công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, dầu khí & khí đốt, Logistics & chuỗi cung ứng… rất nhiều doanh nghiệp đặt những câu hỏi hóc búa tới các khách mời tham dự tọa đàm với chủ đề “Từ lợi nhuận đến bền vững: áp dụng kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp”.

Ông Cao Văn Đông, Tổng Giám đốc Kettle Interior Asia kể câu chuyện chuyển đổi số đặc thù của một doanh nghiệp kinh doanh gỗ, bản chất của hoạt động sản xuất rất khó để hội nhập 4.0, hầu như không thể mang lên online, nhưng đơn vị đã mạnh dạn chuyển đổi số doanh nghiệp, ứng dụng một phần AI trong vận hành doanh nghiệp như các phần mềm quản lý kho, chấm công nhân sự, quản lý hóa đơn… ông Đông cho hay, doanh nghiệp này mỗi tháng phải tiếp nhận, xử lý hàng ngàn hóa đơn nên trước đây cần ít nhất tới 3 nhân sự để quản lý phần việc này, nay thì trí tuệ nhân tạo đã giúp tăng năng suất, quản lý hiệu quả hơn, chính xác hơn.

Tất nhiên khi tự động hóa phát triển thì máy móc sẽ chiếm ưu thế, trí tuệ nhân tạo có thể làm thay phần việc của nhiều con người, hệ quả là sẽ dư ra một số lượng lớn lao động chỉ phù hợp với trình độ cũ. Định hướng hỗ trợ chuyển đổi số trong giai đoạn mới, TS. Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sản xuất Thông minh BECAMEX cho biết, số lượng lớn người lao động sẽ chuyển dịch sang khu vực dịch vụ phục vụ cho công nghiệp và cần tập trung vào đào tạo con người để lao động có thể nâng cấp trình độ, đáp ứng được yêu cầu.

Ông Kiệt Trần, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam – Singapore (VSSES) phát biểu: “gần đây, Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á sử dụng năng lượng sạch để ứng dụng vào sản xuất. Đây là tin vui và cũng là ưu thế của thị trường Việt Nam bởi vì ngày nay, những vấn đề về bảo vệ môi trường luôn được đặt ra, khách hàng sẽ xem xét để thúc đẩy sản xuất thì nhà máy cần sử dụng bao nhiêu phần trăm từ nguồn thủy điện, nhiệt điện và bao nhiêu phần trăm có thể sử dụng điện từ hệ thống năng lượng mặt trời khi thiết lập bất cứ nhà máy nào”.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích