Chiêm ngưỡng cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam trước ngày thông xe đi Sa Pa
Cầu Móng Sến nằm trên tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị xã Sapa (Lào Cai) có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Hiện tại, công trình đã hoàn thành khoảng 99% khối lượng công việc.
Chiêm ngưỡng cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam trước ngày thông xe đi Sa Pa (Video: Quân Đỗ)
Được khởi công từ đầu năm 2020, đến nay cây cầu Móng Sến (Lào Cai) đã cơ bản hoàn thành. Đây là cây cầu cạn vượt địa hình có chiều dài 612m, nối từ khu vực chân dốc lên đỉnh dốc ba tầng – đoạn đường khó đi, quanh co, nguy hiểm nhất – trên cung đường từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa.
Được biết, cầu Móng Sến là cây cầu trên cạn có trụ cầu cao đến 83m, đứng thứ hai ở Việt Nam, sau trụ cầu Pá Uôn (Sơn La), cao hơn 100m. Tuy nhiên, cầu Pá Uôn là cầu bắc qua sông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hữu, Chánh văn phòng Công ty Cổ phần đầu tư BOT Sa Pa cho biết, cầu Móng Sến thuộc dự án nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa, đến thời điểm hiện tại công trình đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, còn một số hạng mục cuối cùng trước khi đi vào hoạt động như hệ thống đèn chiếu sáng, vạch sơn kẻ đường và thảm đường dẫn 2 bên đầu cầu.
Cầu Móng Sến có vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng, là cây cầu cạn cao nhất Việt Nam, có ý nghĩa “then chốt” trong xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách và người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc.
Lan can cầu được trang trí hình tượng hoa sen đặc trưng của Việt Nam.
Khi được hỏi về tiến độ thông xe, ông Nguyễn Văn Hữu nói: “Việc hoàn thành đưa vào thông xe, chúng tôi đã làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như nhà đầu tư đã cam kết trong quý IV của năm 2022 sẽ đưa cây cầu Móng Sến vào hoạt động”.
Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bề mặt rộng 14m với bốn làn xe. Cầu có kết cấu 5 nhịp dầm, trong đó nhịp dài nhất là 132m, được thi công bằng phương pháp dầm hộp đúc hẫng cân bằng.
Do bắc qua thung lũng lại có độ cao gần 100m nên công trường cầu Móng Sến thường xuyên có mây mù bao phủ, cả cây cầu như đi xuyên vào mây. Đứng trên đỉnh cầu có thể phóng tầm mắt ra xa theo nhiều hướng là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, tuyệt đẹp.
Còn tại gói thầu thi công xử lý sạt trượt tại tỉnh lộ 155 bên phía đầu cầu Móng Sến – vị trí đặt trạm BOT hướng từ TP Lào Cai lên Sa Pa – hiện tại đã hoàn thành 90% khối lượng công việc. Phần khối lượng công việc còn lại là phá đá, nổ mìn tại mái cơ số 1 tạo mặt bằng để thi công. Thời gian dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 8/2022.
Đây là tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BOT). Sau khi dự án được hoàn thành, nhà đầu tư sẽ đặt trạm thu phí tại vị trí phù hợp, bảo đảm người dân được quyền lựa chọn đi theo đường mới làm thì trả phí, còn không muốn trả phí thì đi theo đường QL4D cũ.
Cầu Móng Sến xây dựng từ năm 2020 có chiều dài 612m, có trụ cầu cao 83m. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bề mặt rộng 14m với bốn làn xe. Cầu có kết cấu 5 nhịp dầm, trong đó nhịp dài nhất là 132m, được thi công bằng phương pháp dầm hộp đúc hẫng cân bằng.
Cầu Móng Sến nói riêng và toàn dự án nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa nói chung khi được đưa vào vận hành và khai thác sẽ giúp giảm ngắn quãng đường từ Lào Cai lên Sa Pa đồng thời đem lại hiệu quả tích cực hơn trong việc đảm bảo vấn đề an toàn giao thông, xóa đi một số điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 4D. Đặc biệt hơn, cây cầu Móng Sến sẽ là điểm nhấn du lịch của vùng đất Sa Pa nói riêng và vùng đất Tây Bắc Nói chung.
Nguồn: Báo xây dựng