Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc về pháp luật ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Ngày 2/8, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trung Thành và Tham tán Xây dựng, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam Kim You In chủ trì Tọa đàm với doanh nghiệp Hàn Quốc về pháp luật ngành Xây dựng.

bo xay dung thao go vuong mac cho doanh nghiep han quoc ve phap luat nganh xay dung
Các đơn vị của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp Hàn Quốc cùng nhau thảo luận và giải đáp 4 nội dung liên quan đến pháp luật ngành Xây dựng.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Trung Thành cho biết: Sự kiện là hoạt động tiếp nối cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Đại sứ quán, các Hiệp hội và các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; là hoạt động cụ thể triển khai nội dung thảo luận giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan.

Tại Tọa đàm, hai bên cùng nhau thảo luận và giải đáp 4 nội dung liên quan đến pháp luật ngành Xây dựng, gồm: Chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức; Chứng nhận sơn chống cháy; Quy định về phòng cháy chữa cháy; Thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư phát triển nhà ở.

Trả lời các doanh nghiệp Hàn Quốc về nội dung cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng Phạm Như Huy cho biết: Công ty SAMIL CTS VINA được cấp chứng chỉ năng lực theo quy định tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/07/2018.

Tại thời điểm này, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP quy định tổ chức thi công xây dựng (xây dựng, lắp đặt thiết bị) được cấp chứng chỉ theo lĩnh vực thi công xây dựng của loại công trình mà tổ chức có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, kể từ ngày 03/03/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, điều chỉnh nội dung về điều kiện cấp chứng chỉ và phạm vi hoạt động xây dựng của một số lĩnh vực. Theo đó, lĩnh vực thi công lắp đặt thiết bị công trình chỉ yêu cầu kinh nghiệm thi công tương ứng với công việc thực hiện, không yêu cầu về loại công trình như Nghị định số 100/2018/NĐ-CP. Do đó, Công ty hiện nay có thể đề nghị cấp chứng chỉ đối với lĩnh vực thi công lắp đặt thiết bị công trình để được xét cấp theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh cho biết thêm: Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có thành lập pháp nhân tại Việt Nam có thể thực hiện cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và không yêu cầu cấp Giấy phép nhà thầu nước ngoài.

bo xay dung thao go vuong mac cho doanh nghiep han quoc ve phap luat nganh xay dung
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp vướng mắc về cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và quy trình thủ tục kiểm định sơn phòng chống cháy…

Về quy trình thủ tục kiểm định sơn phòng chống cháy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Minh Long cho biết: Sơn chống cháy là một loại vật liệu phủ bảo vệ cho kết cấu nhằm nâng cao khả năng chịu lửa của kết cấu. Nhà sản xuất vật liệu này cần phải có bằng chứng để chứng minh chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chí đã công bố và thủ tục chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi đưa sơn vào sử dụng trong công trình, sơn phải đáp ứng các tiêu chí đề ra đối với kết cấu cần phủ bảo vệ.

Ông Vũ Đức Hưng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an Thành phố Hà Nội cũng cho biết: Khi Nghị định số 136/2021/NĐ-CP có hiệu lực, thủ tục kiểm định sơn có thay đổi, thực hiện theo mẫu kết cấu… Bên cạnh đó, một số giải pháp thay thế không phải kiểm định như sử dụng vữa chống cháy, bê tông bảo vệ… nhưng vẫn phải bảo đảm một số điều kiện nhất định theo QCVN 06:2020/BXD.

Đối với nội dung liên quan đến dự án đang bị trì hoãn của Lotte, chuyên viên Phòng Nhà ở, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Thu Vân cho biết: Khoản 1 và khoản 4 Điều 23 của Luật Nhà ở 2014 quy định 3 hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Một là đấu giá quyền sử dụng đất. Hai là đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ba là chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Trong thời gian qua, một số điều khoản của Luật Nhà ở 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi một số Luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và mới nhất là Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 Luật.

Theo đó, Khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng trường hợp nhà đầu tư có “quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”.

bo xay dung thao go vuong mac cho doanh nghiep han quoc ve phap luat nganh xay dung
Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm với doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc về pháp luật ngành Xây dựng.

Tuy nhiên, dự án phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

Tọa đàm kết thúc thành công với các nội dung trao đổi chuyên sâu liên quan đến pháp luật ngành Xây dựng. Các bên thống nhất sẽ tiếp tục có những buổi làm việc chuyên sâu hơn nữa cho từng doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc với các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng trong thời gian tới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích