Sau sáp nhập, TP Thanh Hóa có thể đổi tên?
Dự thảo Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường, đã đề xuất lựa chọn 2 phương án tên gọi sau sáp nhập là TP Thanh Hoá và TP Đông Sơn.
Theo dự thảo Đề án, sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 22 huyện (giảm 1 huyện); 559 đơn vị hành chính cấp xã. TP. Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22 km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: 37 phường, 11 xã.
Trong đó, sẽ thành lập 7 phường thuộc TP. Thanh Hóa, gồm: Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, người của các đơn vị hành chính cũ.
Một góc TP Thanh Hoá |
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất lựa chọn 2 phương án tên gọi sau sáp nhập là: TP. Thanh Hóa và TP. Đông Sơn; đồng thời xây dựng cụ thể các giải pháp về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cũng như phương án bố trí, sắp xếp nhân sự sau sáp nhập.
Tại hội nghị báo cáo dự thảo đề án hôm 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn có ý kiến: Để đảm bảo về tính pháp lý của đề án, giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng như các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về quy trình việc sáp nhập, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các vấn đề về sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa trên cơ sở cùng lúc thành lập 7 phường mới như đề án đã đưa ra, hay tổ chức thực hiện 2 đề án độc lập về việc sáp nhập và đề án riêng việc thành lập 7 phường mới.
Sau khi xin ý kiến về việc sáp nhập của các cấp, ngành Trung ương và địa phương, Sở Nội vụ hoàn tất dự thảo đề án, trình UBND tỉnh xem xét trước ngày 15/8 tới.
Nguồn: Báo xây dựng