Làm gì để thêm sức sống tươi trẻ cho công viên Hà Nội?
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy các không gian xanh, công viên cho Thủ đô, ngoài thu hút các doanh nghiệp có năng lực, cần có cơ chế để khuyến khích cộng đồng – đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ công viên tham gia đóng góp.
Nói về việc người dân Thủ đô đang “khát” không gian xanh, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, thách thức lớn cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên ở Hà Nội là khu vực nội thành thì thiếu quỹ đất để bố trí thêm. Trong khi đó, khu vực ngoại thành chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó tiếp cận. Một nguyên nhân quan trọng khác là nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh chưa đa dạng, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách.
Trong khi đó, các công viên tại vị trí “vàng” của Thủ đô lại không thể phát triển do các quy hoạch sử dụng đất dành cho công viên công cộng. Ông Lê Sĩ Dũng, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội cho biết, tổng diện tích Công viên Thủ lệ là 18ha, trong đó chiếm tới 9ha mặt hồ. Diện tích còn lại làm các khu chuồng trại nuôi thú, cây xanh, tiểu cảnh, đường đi bộ… nên diện tích dịch vụ không còn nhiều. Bên cạnh đó, vườn thú không có quy hoạch dịch vụ ăn uống nên chỉ bố trí các ki-ốt diện tích khoảng 2m2 để phục vụ ăn nhanh.
Công viên Thủ lệ hướng tới lượng khách bình dân của Thủ đô |
Theo ông Dũng, sau thời gian dịch COVID-19, Công viên Thủ lệ đã đổi mới nhiều hạng mục như: Thay lưới B40 thành tấm kính tại chuồng hổ, thảm đường dạo quanh công viên, bổ sung 200 ghế gang mặt gỗ lim… để tăng trải nghiệm cho du khách. Được biết, đối tượng Công viên Thủ lệ hướng đến là du khách bình dân, việc nâng cấp chỉ vừa đủ để vừa đảm bảo quy hoạch nhưng không thể đột phá nếu không “cởi trói” quy hoạch thu hút các nhà đầu tư.
Tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) mới đây, Thành đoàn – Hội Sinh viên thành phố Hà Nội chính thức phát động Cuộc thi “Thiết kế công viên sáng tạo InnoPark” lấy bối cảnh công viên Thống nhất. Đây là tiền đề để công viên có những đổi mới, thu hút giới trẻ trong thời gian tới. Đại diện Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, tới đây công viên sẽ cải tạo theo hướng công viên mở, hạ thấp hàng rào, dừng thu vé vào cổng.
Những ý tưởng mới tạo không gian mở được đưa vào phát triển Công viên Thống Nhất |
Đặc biệt, công viên đang báo cáo thành phố để thực hiện một số ý tưởng như: Nối các thảm cỏ trong công viên để người dân có khoảng không gian rộng để cắm trại, thư giãn; Mở quảng trường Thống Nhất – hiện ý tưởng đang xin ý kiến các sở ngành, thành phố… “Những ý tưởng này sẽ thu hút đông đảo du khách đến với công viên, đặc biệt phát triển hoạt động đêm – một hoạt động lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ”, đại diện đơn vị nói.
Cùng cộng đồng phát triển công viên
Bà Vương Thuỳ Dương (Chuyên gia cao cấp Công ty tư vấn enCity) cho biết, ở các nước trên thế giới, các công viên nổi tiếng như Central Park – lá phổi xanh của Thành phố New York; công viên của thành phố Melbourne… đều là những nơi mang lại giá trị lớn cho cộng đồng và cả kinh tế, du lịch. Công viên Central Park được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận Central Park Conservancy. Công trình công cộng này đã huy động được sự đóng góp lớn từ các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận thông qua các hành động hướng tới cộng đồng của họ.
Phối cảnh tổng thể ý tưởng cải tạo Công viên Thống Nhất |
Vị chuyên gia cho rằng: Bài học rút ra cho Hà Nội đó là việc quy hoạch, xây dựng và vận hành các công viên công cộng tại Hà Nội không nên được đóng khung vào các quy định hay quy trình có sẵn mà còn cần phải linh hoạt và sáng tạo. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tham gia vào thực thi cần được mở rộng ra khỏi phạm vi khu vực công thì mới đảm bảo được hiệu quả tốt nhất.
Toàn cảnh “lá phổi xanh” của thành phố New York – Công viên Central Park |
Để thúc đẩy động lực tham gia của các doanh nghiệp có năng lực cao vào công trình công viên cây xanh, Chính phủ cần tăng tỷ lệ hoạt động dịch vụ của công viên lên và để cho các doanh nghiệp có tham gia đóng góp vào dự án công viên được quyền ưu tiên vận hành các dịch vụ này. Một giải pháp khác là Chính phủ có thể thực hiện các hạng mục kết nối công viên với các sản phẩm dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp và cộng đồng để giúp cho sự phát triển của công viên. Bà Dương lấy ví dụ công viên có thể là một phần của phố đi bộ, không gian kinh tế đêm nơi doanh nghiệp và hộ gia đình tổ chức các hoạt động kinh doanh các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách đi bộ vãng lai. Như vậy, nếu công viên càng hấp dẫn được khách đi bộ thì cũng có nghĩa là lượng khách mua hàng của các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng, họ sẽ có động lực đóng góp để công viên phát triển.
Nguồn: Báo xây dựng