Yên Dũng (Bắc Giang): Dự án kênh tiêu gần 130 tỷ đồng có dấu hiệu hư hỏng do đâu?

(Xây dựng) – Dù chỉ đang trong quá trình thi công, nhưng nhiều đoạn tại dự án kênh tiêu thoát lũ Nham Biền lại xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, sụt lún khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về chất lượng công trình.

yen dung bac giang du an kenh tieu gan 130 ty dong co dau hieu hu hong do dau
Một điểm hư hỏng trên mặt kênh đã được đặt tạm cống thoát nước.

Theo tìm hiểu được biết, Dự án kênh tiêu thoát lũ Nham Biền gồm: Cải tạo, nâng cấp gần 8.400m kênh, xây mới 11 cầu qua kênh tại những vị trí cầu cũ đã xuống cấp, không đảm bảo; cứng hóa mặt bờ kênh và đoạn đường bê tông phía bờ hữu và đoạn đường giao thông từ ngã ba Yên Phượng đi Kè tràn Yên Lư (Yên Dũng, Bắc Giang). Thời gian thực hiện dự án từ cuối năm 2021-2024.

Theo quyết định phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án gần 130 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp 200 triệu đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 100 tỷ đồng, còn lại thuộc ngân sách huyện. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Yên Dũng làm chủ đầu tư.

Việc xây dựng kênh tiêu thoát lũ Nham Biền nhằm bảo đảm thoát nước tự nhiên dọc dãy núi Nham Biền, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu vực, ổn định dân sinh kinh tế trong vùng bảo vệ, giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và dần nâng cao mức sống, thông qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Dự án do liên danh 6 nhà thầu thi công gồm: Công ty Cổ phần Bách Long (địa chỉ tại Bắc Giang), Công ty Xây dựng Ninh Giang (địa chỉ tại Bắc Ninh), Công ty Cổ phần mối và khử trùng khu vực I (địa chỉ tại Bắc Giang), Công ty Cổ phần bê tông và xây dựng Bắc Giang (địa chỉ tại Bắc Giang), Công ty MTV Đầu tư xây dựng và Thương mại Hoàng Khang (địa chỉ tại Bắc Giang) và Công ty Châu Cầu (địa chỉ tại Bắc Ninh).

Mặc dù là dự án cấp thiết và đang trong quá trình thi công, thế nhưng theo phản ánh, nhiều đoạn đã thi công xong lại có dấu hiệu sụt lún, hư hỏng tạo thành nhiều lỗ to, nhỏ trên mặt kênh.

yen dung bac giang du an kenh tieu gan 130 ty dong co dau hieu hu hong do dau
Mái kênh được thi công theo phương pháp kè khan, chít mạch.

Để xác minh thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt tại dự án kênh tiêu thoát lũ Nham Biền. Theo ghi nhận của phóng viên, phản ánh là có cơ sở khi nhiều đoạn mái kênh tại dự án xuất hiện các điểm sụt lún, bung vỡ tạo thành các lỗ trên mặt kênh.

Trao đổi với phóng viên, một người dân thắc mắc: “Chỗ này họ cũng đang thi công, nhưng không hiểu vì sao mới làm xong lại thấy nhiều đoạn bị hỏng thế kia. Tôi cũng không biết lý do, không biết vì chất lượng kém hay vì lý do nào khác”.

Trước những thắc mắc nêu trên, trao đổi với phóng viên, đại diện cho các nhà thầu, ông Nguyễn Viết Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bê tông và xây dựng Bắc Giang cho biết, việc mặt kênh hư hỏng là do người dân đã tự ý phá ra với mục đích thoát nước cho cánh đồng.

“Trước khi chúng tôi thi công thì cứ khoảng 50m dọc bờ kênh sẽ có một đoạn mương nhỏ để người dân thoát nước từ ruộng xuống kênh phục vụ việc sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên khi thực hiện dự án thì hệ thống thoát nước này đã không còn. Những ngày vừa qua khi mưa lớn, xuất hiện việc ứ đọng, ngập nước nên người dân đã tự ý phá một số điểm trên mặt kênh dẫn đến hiện tượng hư hỏng nêu trên”.

Cũng theo đại diện nhà thầu, đối với những vị trí người dân phá ra huyện Yên Dũng quyết định sẽ tạm thời đặt một số cống thoát nước. Đồng thời, huyện Yên Dũng cũng đang báo cáo và xin phê duyệt phương án thiết kế nhằm thực hiện việc thoát nước cho cả cánh đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng xác nhận sự việc nêu trên và cho biết, việc xuất hiện các điểm hư hỏng là do được đào ra để phục vụ việc sửa chữa các điểm thoát nước trong cánh đồng. Vừa qua, Sở Xây dựng Bắc Giang cũng đã cử cơ quan chuyên môn xuống lấy mẫu và kiểm tra chất lượng công trình. Trong thời gian tới sẽ có kết quả chính thức về chất lượng thi công tại dự án nêu trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích