Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết
(Xây dựng) – Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và kế hoạch dự toán – NSNN 3 năm 2023 – 2025, Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án quan trọng với phát triển KTXH.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Cụ thể, dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn vốn ODA (vốn vay và vốn viện trợ), vốn viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức thuộc nguồn thu NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu tiền sử dụng đất) được xây dựng theo các quy định của pháp luật và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong năm.
Việc xây dựng dự toán chi phải phù hợp với phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, việc điều chuyển nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 và tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Tài chính lưu ý, ưu tiên bố trí dự toán năm 2023 để đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội; các dự án hoàn thành trong năm 2023.
Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.
Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với Nghị quyết 43/2022/QH15, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, việc điều chuyển nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022; tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2023.
Bộ, ngành, địa phương lập riêng dự toán năm 2023 cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mức bố trí 2 năm 2022 – 2023 đối với các nhiệm vụ này theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, chi tiết theo ngành, lĩnh vực, kèm phụ lục chi tiết từng chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; quyết định phê duyệt; tổng mức đầu tư được duyệt; thời hạn khởi công – hoàn thành; số bố trí dự toán năm 2022, số điều chuyển – nếu có và ước thực hiện đến 31/1/2023; đề xuất dự toán năm 2023 (kèm theo thuyết minh).
Hỗ trợ không quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương
Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN về tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để triển khai một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.
Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ, phù hợp với cơ chế tài chính của dự án và tiến độ thực hiện chương trình, dự án, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2023 và không có khả năng gia hạn.
Nguồn: Báo xây dựng