Trung Quốc khủng hoảng BĐS, nữ tỷ phú giàu nhất châu Á mất hơn nửa tài sản
Người phụ nữ giàu nhất châu Á đã mất hơn một nửa tài sản trong năm qua khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc bị rung chuyển bởi cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, tài sản của bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), cổ đông lớn của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Country Garden, đã giảm hơn 52% từ mức 33,9 tỷ USD vào năm ngoái xuống còn 16,1 tỷ USD.
Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á bay hơn nửa tài sản trong cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc (Ảnh: AFP). |
Tài sản của bà Dương đã chịu thiệt hại lớn trong phiên giao dịch hôm qua (27/7) khi cổ phiếu của tập đoàn Country Garden niêm yết trên thị trường Hồng Kông lao dốc 15% sau khi công ty thông báo phát hành thêm cổ phiếu để huy động tiền mặt.
Bà Dương được thừa kế tài sản từ bố bà là ông Dương Quốc Cường (Yang Gouqiang), người sáng lập của Country Garden, vào năm 2005, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Hai năm sau đó, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á sau khi tập đoàn này IPO thành công tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, hiện bà Dương rất khó để giữ vững được danh hiệu đó khi bà trùm sợi hóa học Fan Hongwei đang đứng vị trí thứ 2 với giá trị tài sản 16 tỷ USD.
Năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã đề ra giới hạn nợ trong chính sách được gọi là “ba lằn ranh đỏ” nhằm kiểm soát lĩnh vực bất động sản đang phát triển quá nóng dựa trên nợ nần. Điều này khiến cho những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản như Evergrande, Sunac lao đao trong cuộc khủng hoảng nợ và ngấp nghé bờ vực phá sản. Còn người mua nhà trên khắp nước này thì giận dữ vì các dự án đình trệ trong việc xây dựng, chậm giao nhà và họ bắt đầu ngừng thanh toán các khoản thế chấp mua nhà cho đến khi được bàn giao nhà.
Trong bối cảnh hỗn loạn của ngành này, Country Garden hầu như vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cho đến hôm qua (27/7), giới đầu tư đã sốc với thông báo tập đoàn đang có kế hoạch huy động hơn 490 triệu USD thông qua việc bán cổ phần, một phần để trả nợ.
Trong hồ sơ báo cáo lên sàn giao dịch Hồng Kông, Country Garden cho biết, số tiền thu được từ việc phát hành này sẽ được sử dụng để “tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài hiện có, làm vốn lưu động chung và các mục đích phát triển trong tương lai”.
Lo ngại cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản sẽ lây lan sang lĩnh vực ngân hàng, gây bất ổn xã hội, mới đây, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản nhằm đáp ứng “nhu cầu tài chính chính đáng” của các công ty.
Bất động sản được coi là một trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, chiếm từ 18-30% GDP nước này.
Nguồn: Báo xây dựng