Chủ tịch Quốc hội mong muốn Quảng Nam là hình mẫu phát triển du lịch
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quảng Nam tiếp tục theo dõi, nhận diện những thuận lợi, thách thức làm cơ sở đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, bảo đảm giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Sáng 27/7, tại thành phố Tam Kỳ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết sau 25 năm tái lập tỉnh, gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và gần 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tỉnh Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc.
Từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam đã vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GRDP năm 2021 đạt 102.000 tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Nam duy trì ở mức cao, bình quân đạt gần 11,3%/năm, trên mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước. Riêng năm 2021 mặc dù kinh tế trong nước rất khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng GRDP của tỉnh vẫn tăng 5,04% và đến 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự bứt tốc, lấy lại đà tăng trưởng khi GRDP tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 4 cả nước và là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 67,6 triệu đồng/người.
Không chỉ có lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định; đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/NQ/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Nam đã được xác định danh mục, tổng vốn bố trí trong giai đoạn 2022-2023 là 621 tỷ đồng cho nhóm dự án thuộc lĩnh vực y tế, dân số và gia đình; nhóm dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản.
Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quy hoạch; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan hữu quan, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt chính sách người có công, trong đó có Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đồng thời có chính sách riêng với nhiều cách làm hay. Đây là sự cố gắng rất lớn khi Quảng Nam có số đối tượng chính sách rất lớn, chiếm hơn 23% dân số cả tỉnh…
Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và tình hình chung trong nước cũng như quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nằm trong vùng duyên hải và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với dân số hơn 1,5 triệu người, Quảng Nam có nhiều thuận lợi trong phát triển, cũng như phát triển đột phá, dư địa phát triển bền vững như: có đường biên giới với Lào và đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên vừa có núi, có rừng, vừa có biển, vừa có cảng biển, vừa có cảng hàng không.
Quảng Nam có điều kiện tương đối thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước và nước bạn láng giềng, đặc biệt là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Nam tiếp tục theo dõi, nhận diện những thuận lợi, thách thức làm cơ sở đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, bảo đảm giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế. Cụ thể, tỉnh rà soát, cập nhật, triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của tỉnh… để xây dựng phương án vừa tổng thể, vừa chi tiết để tìm ra hướng phát triển bù lại thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Quảng Nam sẽ là hình mẫu về phát triển du lịch, hình mẫu về phục hồi du lịch sau dịch COVID-19. Muốn vậy cần tỉnh hoàn chỉnh môi trường, hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch. Nhất là phải có những sản phẩm du lịch mang tính bứt phá, tỉnh tham khảo cách làm du lịch của các trung tâm du lịch lớn trên thế giới; chuyển đổi tư duy đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu Quảng Nam bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Chính phủ trong nhiệm vụ lập quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải đặt trong khung khổ của vùng, vì các cơ quan hữu quan đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ để trình Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 39. Trong quá trình lập quy hoạch cần chú ý xây dựng hành lang kinh tế Đông-Tây, vừa tạo không gian phát triển của tỉnh, vừa kết nối với Lào, Thái Lan, khu vực ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh rà soát quy hoạch sử dụng đất, tích hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; chú trọng lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có và nghiên cứu phát triển thêm các khu công nghiệp mới để thu hút doanh nghiệp trong tầm nhìn dài hạn.
Trong quy hoạch, tỉnh cũng cần định vị tầm nhìn phát triển của thành phố Tam Kỳ, chủ động xây dựng đề án mở rộng thành phố Tam Kỳ trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền, từ đó mở rộng không gian phát triển cho thành phố; quy hoạch khu phức hợp giáo dục đại học…
Cùng với đó, tỉnh cần kiên quyết xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ, vướng mắc…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp công, mua sắm công; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Về các đề xuất của tỉnh liên quan tới phương thức đầu tư theo hình thức PPP, về vốn đầu tư và các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách như tỷ lệ điều tiết, cải cách tiền lương…, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao các cơ quan của Quốc hội rà soát các quy định liên quan của pháp luật để nghiên cứu, cần thiết có thể xây dựng phương án sửa đổi, hoàn thiện để tạo thuận lợi cho địa phương phát triển./.
Nguồn: Báo xây dựng