Doanh nghiệp bất động sản tìm cách “vượt” Covid-19
(TN&MT) – Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội, đặc biệt, tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có DN bất động sản (BĐS). Để vượt qua khó khăn này, nhiều DN BĐS đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch thời gian tới.
Khó khăn trăm bề
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường BĐS trong suốt 2 năm qua khiến nhiều cổ phiếu của DN BĐS bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các DN BĐS đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá, tiếp thị bán sản phẩm BĐS đều bị hủy bỏ. Trong đó, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng và thị trường BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại.
Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện đang rất lớn. Ông Trần Đức Vinh – Tổng Giám đốc Trần Anh Group chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã 4 lần viết thư gửi tới ngân hàng nhờ hỗ trợ giảm lãi suất vay cũng như gia hạn các khoản vay. Tuy nhiên, vẫn chưa được ngân hàng hỗ trợ. Mỗi tháng, chúng tôi phải chi trả ít nhất 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, cộng thêm tiền lương cho 500 nhân viên, tiền thuê mặt bằng, thuế…, trong khi chúng tôi có rất nhiều dự án nhưng không thể bán được. Nếu kéo dài thêm một thời gian nữa, có thể DN chúng tôi sẽ đứng trước bờ vực… và đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay”.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến thị trường BĐS “khó chồng khó” (Ảnh minh họa) |
Nhận định về những thách thức mà DN BĐS đã phải đối mặt trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã là lần thứ 4, diễn biến phức tạp càng khiến những khó khăn thêm trầm trọng, chồng chất. Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi, trạng thái bình thường được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh doanh BĐS.
“Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội, các chủ đầu tư có các dự án BĐS lớn cũng như các DN môi giới BĐS buộc phải tìm mọi cách xoay trở, nếu không sẽ khó trụ được, thậm chí phá sản”.
Ông Phạm Lâm
Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam.
Thay đổi để tồn tại
Có thể thấy, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các DN BĐS. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Anh Vĩnh, một nhân viên môi giới BĐS ở TP.HCM cho biết, để tồn tại trong mùa dịch, các môi giới BĐS đã học hỏi cách thức của những người bán hàng online, tận dụng các nền tảng công nghệ như: Livestream, YouTube, TikTok, Zalo, Facebook… để tiếp cận khách hàng, tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh không bị ngắt quãng, thậm chí có người đã bán được căn hộ, đất nền… qua các kênh online này.
Ngay cả công ty môi giới BĐS cũng đã phát triển những kênh tư vấn online để tránh bớt tác động của dịch bệnh. Điển hình như Công ty DKRA Việt Nam vừa giới thiệu, bán hàng trên Fanpage của Dự án Astral City (Bình Dương), thu hút hơn 2.000 lượt khách tham gia. Trong buổi mở bán, đã có hơn 80 sản phẩm được khách hàng đặt mua. Hay một Tập đoàn BĐS lớn đã nhanh chóng kích hoạt các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp để bảo đảm hoạt động. Trong đó, việc kinh doanh online đã được Tập đoàn này đẩy mạnh. Nhờ vậy, các dự án BĐS lớn của Tập đoàn tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận vẫn được khách hàng quan tâm, tìm hiểu…
Theo các chuyên gia kinh tế, qua thực tế cho thấy, nhiều DN đầu tư kinh doanh BĐS với bản lĩnh, quyết tâm và sức sáng tạo, sự bền bỉ và năng động… không những đã giữ vững vai trò trụ cột trên thị trường BĐS mà còn tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận ngay trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, Covid-19 đã trở thành yếu tố quan trọng giúp sàng lọc DN trên thị trường BĐS, giữ lại những DN thật sự có uy tín, có quỹ đất lớn và hợp pháp, có tiềm lực tài chính mạnh, có chính sách bán hàng hợp lý và quản lý tốt, đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời loại bỏ dần những DN BĐS không hội đủ các điều kiện này.
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, trong năm 2021, ngoài sự năng động, sáng tạo của các DN trong đầu tư kinh doanh BĐS, nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở nói riêng và thị trường BĐS nói chung đã được hoàn thiện, đồng bộ, liên thông với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS, góp thêm các “điểm sáng” cho thị trường BĐS.