Giới đầu tư thận trọng, thanh khoản sàn HOSE dưới 10.000 tỷ đồng
Chốt phiên giao dịch ngày 26/7, VN-Index giảm 3,43 điểm xuống 1.185,07 điểm, khối lượng giao dịch đạt gần 435 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.447 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Dù mở cửa phiên trong sắc xanh, nhưng thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng điểm khi nhà đầu tư thể hiện sự “e ngại” trong giải ngân. Chính vì vậy, đây là phiên thứ 2 liên tiếp thanh khoản sàn HOSE dưới 10.000 tỷ đồng.
Chốt phiên ngày 26/7, VN-Index giảm 3,43 điểm xuống 1.185,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 435 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.447 tỷ đồng. Toàn sàn có 139 mã tăng giá, 311 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,5 điểm xuống 2.82,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.403,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm lên 88,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 36,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 773 tỷ đồng. Toàn sàn có 128 mã tăng giá, 140 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng nhẹ gần 55 tỷ đồng trên HOSE và 2,3 tỷ đồng trên HNX, trong khi bán ròng tới hơn 164 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong rổ VN30 có 8 cổ phiếu tăng giá, 19 cổ phiếu giảm giá, tăng mạnh nhất là KDH với mức 2,1%, SAB tăng 1,6%, VCB tăng 1,4%. Giảm mạnh nhất trong rổ VN30 là VIC và BVH với 1,8%, TPB giảm 1,5%, HPG giảm 1,1%.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, hóa chất… diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Thực tế, giới đầu tư trên thế giới, cũng như Việt Nam có tâm lý thận trọng cũng là điều dễ hiểu giữa bối cảnh đang chờ đợi các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sự căng thẳng bất thường về thông tin bao gồm thông báo ngày 27/7 của Fed, với khả năng sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn khác thêm 0,75 điểm phần trăm khi tìm cách chống lạm phát tăng cao.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị công bố ước tính đầu tiên về tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2022. Nếu báo cáo cho thấy kinh tế Mỹ suy giảm trong quý 2, sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái về mặt kỹ thuật khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm./.
Nguồn: Báo xây dựng