Giá xăng dầu giảm mạnh ảnh hưởng ra sao đến khả năng tăng lãi suất?
Theo VinaCapital, rất khó có khả năng NHNN tăng lãi suất chính sách trong năm nay – trái ngược với tất cả thị trường mới nổi trong khu vực đều đang tăng lãi suất.
GDP quý III dự báo tăng vượt 10%
Trong một báo cáo phát hành mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của quỹ VinaCapital, đánh giá, mức tăng trưởng 7,7% của kinh tế Việt Nam trong quý II so với cùng kỳ là mức tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.
Kinh tế Việt Nam dự kiến hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn). |
Tăng trưởng GDP quý II vượt bậc thúc đẩy VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%, thậm chí quỹ này tin rằng, có khả năng GDP của Việt Nam sẽ còn tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quý III năm 2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý III năm nay
“Chúng tôi tin rằng GDP quý III đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam, và cảnh báo duy nhất cho triển vọng rất khả quan đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là GDP của Mỹ đang chậm lại” – ông Michael Kokalari nhìn nhận.
Theo đó, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” như ti vi, đồ nội thất và điện thoại thông minh. Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022.
Quỹ này dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 10% vào cuối năm do nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Hiện tại, nhà đầu tư dồn sự chú ý đối với làn sóng lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu, tuy nhiên lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn, chỉ 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6.
Rất khó có khả năng NHNN tăng lãi suất chính sách trong năm nay?
Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam đã được Tạp chí Economist nhấn mạnh là có nguyên nhân từ khả năng sản xuất dư lương thực cung cấp cho người dân. Yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam là giá dầu toàn cầu tăng vọt, cho nên việc giá dầu giảm gần đây sẽ giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm về quỹ đạo lạm phát có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022.
Kịch bản với chỉ tiêu lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 (Ảnh chụp màn hình). |
Thêm vào đó, Chính phủ đã cắt giảm giá xăng dầu môi trường vào ngày 1/4 và giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu vào ngày 21/7. Điều quan trọng là sau những đợt cắt giảm thuế này, Chính phủ vẫn có khả năng giảm giá xăng dầu thêm, điều này sẽ làm giảm áp lực lên CPI.
Điểm quan trọng nhất mà VinaCapital đặt ra là, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có khả năng duy trì tốt trong phạm vi nhắm đến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức lạm phát trung bình cả năm không vượt quá 4% – nên rất khó có khả năng NHNN tăng lãi suất chính sách trong năm nay – trái ngược với tất cả thị trường mới nổi trong khu vực đều đang tăng lãi suất.
Ngoài ra, mức lạm phát khiêm tốn của Việt Nam cũng đã hỗ trợ một phần cho giá trị của Đồng Việt Nam (VND), vốn mất giá chỉ 3% so với đầu năm dù giá trị của USD tăng 13% so với đầu năm, dựa trên chỉ số DXY. Ngoài ra, việc Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ mong muốn NHNN Việt Nam cho phép giá trị của VND được thả nổi sẽ khiến giá trị của VND gia tăng trong năm 2023.
Nguồn: Báo xây dựng