Ngành thép: Hấp dẫn cho dài hạn nhưng rủi ro vẫn hiện hữu trong ngắn hạn

Báo cáo cập nhật ngành thép công bố bởi SSI Research nhìn nhận: Định giá cổ phiếu ngành thép hấp dẫn cho dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, rủi ro vẫn hiện hữu.

Theo nhóm nghiên cứu, cho đến nay, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. “Với mức định giá hiện tại, chúng tôi cho rằng rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới”, báo cáo nêu.

Sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố: Một là giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ; Hai là lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho; Ba là các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.

Sự sụt giảm về sản lượng như vậy là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60 – 70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam. Các công ty tôn mạ như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8 với sản lượng khoảng 60 nghìn tấn/tháng. Tuy nhiên, việc các đơn hàng xuất khẩu trước từ 1 đến 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước khi các công ty ký được trước khoảng 3 – 4 tháng.

Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 – 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới.

Về giá, giá thép đã điều chỉnh đáng kể trong những tháng gần đây do nhu cầu yếu. Cụ thể, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Trên thị trường thế giới, sau khi tăng vọt 56% khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, hiện giá thép HRC tại EU đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng xảy ra. Giá HRC ở Trung Quốc và Mỹ cũng giảm 15 – 20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn, trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, và đặc biệt là do nhu cầu yếu ở Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.

 

Về nguồn cung, sản lượng thép toàn cầu nhìn chung đã giảm trong nửa đầu năm 2022, với tổng sản lượng sản xuất ước tính giảm 6,3% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính theo tháng, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc đã tăng dần trong 3 tháng qua, làm gia tăng lượng hàng tồn kho tại nhà máy và tạo thêm áp lực lên diễn biến giá thép trong khu vực.

Báo cáo cho rằng việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Cụ thể, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc. Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.

Trên cơ sở đó, theo SSI Research, tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 2018 – 2019, do các lý do:

Thứ nhất, trong năm 2018 – 2019, việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016 – 2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50 – 100%, đặc biệt trong lĩnh vực tôn mạ. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, nợ và hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đầu năm 2018 cũng rất cao, khiến họ phải cắt giảm biên lợi nhuận trong năm 2018 – 2019 để đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.

Trong khi đó, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2021. Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như HPG, NKG và TDA đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới, nhưng chúng tôi cho rằng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này, do công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022. 

Thứ hai, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018 – 2019./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích