Bảo tồn phần tiêu biểu di chỉ Vườn chuối
Sau hai năm kêu cứu, di chỉ hơn 3 nghìn tuổi Vườn chuối (nơi ghi dấu cư dân đầu tiên của Hà Nội) nhận được sự đồng thuận bảo tồn một phần tiêu biểu.
Phát hiện khảo cổ ở Vườn chuối chứng tỏ dấu vết từ thời đại Hùng Vương |
TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa ký văn bản thống nhất với đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội về việc thực hiện nghiên cứu, bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ Vườn chuối có diện tích khoảng 6.000m2. Đề xuất này được cân nhắc sau hàng chục văn bản, cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan quản lý văn hóa, di sản. Không thể lựa chọn phương án bảo tồn toàn bộ di chỉ, bởi Vườn chuối nằm trong quy hoạch khu đô thị và tuyến đường vành đai 3,5 của thành phố. Cho nên nhà quản lý, nhà khoa học đồng thuận với phương án bảo tồn khu vực phía Đông. Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở VHTT Hà Nội khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây di chỉ khảo cổ Vườn chuối.
Lãnh đạo Cục Di sản đề nghị Sở VHTT Hà Nội chủ trì lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn chuối theo quy định để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Di chỉ có giá trị về khảo cổ, có ý nghĩa về lịch sử văn hóa này thực tế chưa hề được xếp hạng di tích, vì thế mới lâm vào cảnh hoang phế, bị xâm phạm và san ủi một phần trong quá trình xây dựng đô thị và mở đường.
Trao đổ với Tiền Phong, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định, phương án bảo tồn nêu trên xuất phát từ ý kiến các nhà chuyên môn, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. “Lãnh đạo TP. Hà Nội rất thận trọng khi cho các nhà chuyên môn khai quật thêm 150m2 ở phía Đông cùng với 500m2 khai quật từ 2019 để cân nhắc phương án bảo tồn. Các nhà khoa học sau quá trình khai quật có kết luận giá trị phía Đông tương đương phía Tây, thậm chí có những mặt trội hơn ví như về địa tầng, mộ táng, tính xác thực và nguyên vẹn” PGS.TS. Bùi Văn Liêm nói.
Kết thúc khá có hậu này theo PGS.TS.Bùi Văn Liêm là nhờ sự nỗ lực của các nhà chuyên môn, nhà quản lý, truyền thông và cả cộng đồng cư dân tại xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội). Còn nhớ năm 2019, các nhà khoa học và cộng đồng cư dân kêu cứu trước nguy cơ xóa sổ di chỉ này. “Tuy nhiên vẫn phải rút ra bài học từ câu chuyện Vườn chuối, cơ quan chuyên môn đã chậm trễ chưa xếp hạng di tích rất có giá trị của Thủ đô, vì vậy mà đến thời điểm này chưa có cơ sở bảo tồn toàn bộ 12 nghìn m2 di chỉ Vườn chuối. Di chỉ Vườn chuối tới đây được bảo tồn, xếp hạng nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về thời kỳ dựng nước ở Thủ đô nói riêng và cả Bắc bộ nói chung. Phần phía Tây được di dời hoàn trả mặt bằng, nhưng vẫn phải tuân thủ Luật Di sản, quy chế thăm dò khai quật khảo cổ”, ông Liêm nói.
Nguồn: Báo xây dựng