Giá thép có xu hướng tăng đột biến
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 3 năm trở lại đây, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép là quặng sắt và thép phế liệu tăng cao bất thường và thiết lập mốc giá mới trong tháng 11/2020.
Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa các nước, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này khiến cho giá thép tăng theo, VSA nhận định.
Sản phẩm thép xây dựng của Công ty Thép Việt – Đức tại kho chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Ảnh minh họa: Trọng Lịch/TTXVN |
Cụ thể, trong tháng 11/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 12.000-12.500 đồng/kg vào thời điểm đầu tháng 12/2020 tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Theo chia sẻ của anh Ngô Khánh, Chủ kinh doanh các mặt hàng sắt, thép Hà Nội, thời gian này, các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá, 2-3 ngày tăng 1 lần. Hiện nay giá thép xây dựng bán trên thị trường ở mức quanh 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 11. Chưa khi nào có sự thay đổi mạnh như vậy.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, có nhiều yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước. Đơn cử như trong tháng 11/2020, giá thép phế nội địa tăng mạnh từ 700 – 900 đồng/kg, giữ mức 7.600 đến 7.800 đồng/kg; Giá thép phế nhập khẩu tăng 37 USD/tấn giữ mức 350 USD/tấn cuối tháng 11/2020.
Giá phôi thép cũng tăng mức 44 USD/tấn giữ mức 494~496 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.000 – 1.200 đồng/kg, giữ giá ở mức 11.400 đến 11.600 đồng/kg.
Giá thép cuộn cán nóng HRC ngày 02/12/2020 ở mức 592 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng khoảng 66 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 11/2020. Tuy nhiên, đến ngày 08/12, giá chào HRC đã lên mức 700 USD/tấn. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép, v.v) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy thép để giữ thị phần, cạnh tranh chủ yếu là về giá khiến nhiều nhà máy gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng, hiệu quả kinh doanh thấp.
Trên toàn cầu, tháng 11/2020, giá thép đã phục hồi hoặc tăng mạnh ở hầu hết các thị trường, đáng chú ý nhất là ở Hoa Kỳ và Ấn Độ, trong những tuần gần đây. Việc tăng giá phần lớn là do thiếu hụt nguồn cung thép, với thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Giá quặng sắt ngày 02/12/2020 giao dịch ở mức 136,5- 137 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng đáng kể khoảng 20 USD/tấn tương ứng với 16-17% so với đầu tháng 11/2020. Giá thép phế nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 380 USD/tấn CFR Đông Á ngày 02/12/2020. Mức giá này tăng 72USD/tấn so với hồi đầu tháng 11/2020. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Đông Á có xu hương tăng mạnh…
Theo VSA, giá thép tăng cao, song lượng tiêu thụ các mặt hàng vẫn tăng trưởng khá. Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11/2020 đạt 875.690 tấn, giảm 0,72% so với tháng 10/2020 nhưng tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, bán hàng đạt 1.115.029 tấn, tăng mạnh 52,77% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường thép xây dựng nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn trong quý III. Mặc dù sản xuất thép xây dựng quý III giảm nhẹ lần lượt 5% và 2% so với các quý I và II. Nhưng bán hàng thép tăng trưởng so với 2 quý trước lần lượt là 6% và 19%.
Sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 514.991 tấn tăng 3,82% so với tháng 10/2020 và tăng 50,6% so với cùng kỳ 2019; Bán hàng đạt 525.204 tấn, tăng 57,79% so với tháng trước và tăng 73,9% so với cùng kỳ 2019.
Sản xuất của các thành viên VSA đạt 416.089 tấn, tăng 7,63% so với tháng 10/2020 và tăng 22% so với cùng kỳ 2019; bán hàng đạt 180.639 tấn, giảm 5,92% so với tháng trước nhưng tăng 16,5% so với cùng kỳ 2019; trong đó, xuất khẩu đạt 49.129 tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước…
Nguồn: Báo xây dựng