Ba tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam
Kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta rất đáng khích lệ. Nhiều dự án FDI đang “rót” lượng vốn trị giá hàng tỷ USD vào Việt Nam là tín hiệu tốt đẹp trong bước “chuyển mình” của nền kinh tế hiện nay.
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài |
Nhận định này được GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đưa ra khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ.
Khởi sắc và nhiều triển vọng
Đánh giá về triển vọng phục hồi của nền kinh tế, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay có ba điểm sáng nổi bật.
Thứ nhất, về kết quả tăng trưởng, Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 ở mức 6-6,5%, tuy nhiên kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là GDP đạt mức ấn tượng – 7,72%, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải cố gắng vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, phấn đấu GDP đạt 7% trong năm nay.
Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý III/2022, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,0%. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6-7,8%.
Dựa trên tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý II, VinaCapital cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%. Thậm chí, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, VinaCapital tin rằng có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cũng bày tỏ tin tưởng GDP quý III đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, GS.TS Nguyễn Mại phân tích, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do mới, đơn cử như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực thực thi từ đầu năm nay sẽ tạo điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư chất lượng cao hơn và hiệu quả tốt hơn.
Thứ ba, hàng loạt “dự án tỷ đô” cũng là điểm sáng, tạo nên “sức bật” cho nền kinh tế. Ví dụ như việc TPHCM đề xuất ‘siêu dự án’ cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hợp tác với Công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) – hãng tàu container hàng đầu thế giới nghiên cứu, xây dựng. Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ có công suất thiết kế 10-15 triệu TEUs, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 24.000 TEUs, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 7,2 km.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tổng công ty phát triển cảng của Tập đoàn Adani (tập đoàn về hạ tầng lớn nhất Ấn Độ) đã cam kết sẽ hỗ trợ và đầu tư 2 tỷ USD phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung.
Cùng với đó là hàng loạt dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch của Mỹ, Đức; hay dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (Singapore) với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
“Như vậy, trong tương lai gần chúng ta sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai. Năm 2022, Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra”, GS.TS. Nguyễn Mại dự báo.
Cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế đầu tư
Khẳng định những chuyển biến tốt, các thỏa thuận dự án lớn là điểm sáng của nền kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, từ những điểm sáng ấy, chúng ta thấy chủ trương, tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xử lý cấp phép, cấp giấy đăng ký cũng như các công tác sau đăng ký như giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án vẫn còn chậm ở một số địa phương.
“Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà một vài doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng phản ánh về tình trạng có những dự án phải mất 2 – 3 năm mới có thể triển khai được kể từ khi có ý tưởng đầu tư”, GS.TS. Nguyễn Mại nói.
Trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới, cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài rất khốc liệt, đặc biệt một số nước ASEAN đang nổi lên về thu thút FDI như Indonesia, Malaysia, Thái lan. Ba quốc gia này đã có thay đổi lớn về thể chế, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư và đem lại kết quả ngay tức thì.
Vì vậy, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng nếu Việt Nam không nhanh chóng hoàn thiện thể chế đầu tư, đặc biệt liên quan đến thu hút đầu tư về kinh tế xanh, công nghiệp số và vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì rõ ràng chúng ta khó mà cạnh tranh với các nước đang nổi lên trên “bản đồ FDI” của khu vực. Đồng thời, cần cải cách đồng bộ, đặc biệt là cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của công chức viên chức, năng lực doanh nghiệp trong nước.
Trên thực tế, nếu muốn thu hút đầu tư của các tập đoàn, công ty lớn từ châu Âu và Mỹ thì phải đáp ứng điều kiện, đòi hỏi của họ. Nếu không, chúng ta chỉ loanh quanh thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và trong khu vực Châu Á là chủ yếu.
“Vấn đề cốt lõi còn lại là cải cách hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã nói về việc “trên nóng dưới lạnh, nơi nóng nơi lạnh”. Làm thế nào để các bộ, ngành, UBND các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp phải đồng bộ cải cách để tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng trên toàn quốc, chứ không phải chỉ nổi lên một số chỗ làm tốt còn một số nơi ì ạch”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh./.
Nguồn: Báo xây dựng