9X biến vùng đất khô cằn thành nông trại kiểu… Israel

The Moshav Farm là mô hình nông trại theo kiểu Israel, được một nhóm 9X sau thời gian tu nghiệp tại Israel trở về Việt Nam, tìm đến Ninh Thượng để cùng nhau xây dựng, phát triển. Nguyễn Tá Đông (sinh năm 1990, quê Đắk Lắk) được coi là thủ lĩnh của nông trại này.

Sau 3 năm chọn Ninh Thượng để lập nghiệp, từ 10ha ban đầu, đến nay The Moshav Farm đã mở rộng lên 56ha. Bắt đầu từ số tiền tích cóp được trong thời gian vừa học vừa làm tại Israel của Nguyễn Tá Đông và người bạn, đến nay The Moshav Farm còn nhận được sự tin tưởng của nhiều cổ đông bên ngoài góp vốn để phát triển. Nông trại cũng được xem là điển hình về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch “theo kiểu Israel”, thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê nông nghiệp đến học hỏi, thực tập, trải nghiệm. Bên trong nông trại ấy, không chỉ có gia súc, gia cầm hay cây trái xanh tươi, mà còn chất chứa những ước mơ lớn.

Nguyễn Tá Đông đã có những chia sẻ với Reatimes về hành trình góp phần làm thay đổi diện mạo của một vùng đất và những câu chuyện thú vị của thế hệ 9X dám nghĩ dám làm.

Một góc nông trại The Moshav Farm
Một góc nông trại The Moshav Farm

LÀM NÔNG NGHIỆP THEO KIỂU… ISRAEL  

PV: Nguyễn Tá Đông từng theo học ngành quản trị ngoại thương. Điều gì đã thôi thúc anh đến với chương trình tu nghiệp sinh về nông nghiệp ở Israel?

Anh Nguyễn Tá Đông: Khi còn là sinh viên, tôi vừa học vừa làm cho một công ty về logistics tại TP.HCM. Thật xót xa khi thấy nông sản của Việt Nam xuất khẩu với giá quá thấp so với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với cảnh được mùa mất giá. Cũng xuất thân từ gia đình thuần nông nên tôi quyết tâm sẽ làm việc gì đó để góp phần gia tăng giá trị nông sản nước nhà. Để xây dựng nền móng thực hiện ước mơ này, năm 2015, tôi vay 40 triệu đồng làm hồ sơ đăng ký chương trình tu nghiệp sinh về nông nghiệp ở Israel – một nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Đồng cừu tại The Moshav Farm
Đồng cừu tại The Moshav Farm

Lúc đó, gia đình và nhiều bạn bè phản đối, lo sợ vì thấy trên ti vi cảnh các nước Trung Đông bom rơi đạn nổ, khủng bố, bắt cóc… Nhưng khi mình đặt chân đến nơi thì thấy trái ngược hẳn. Tại Israel yên bình với những cánh đồng lớn, tôi học được nhiều kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, với kỹ thuật tiên tiến nên các loại nông sản cho năng suất cao. Tháng ngày học tập, làm việc tại đây đã trang bị cho tôi nhiều kiến thức để khi trở về, tôi kết nối thêm với ba người bạn cũng từng có thời gian tu nghiệp tại Israel, cùng xây dựng nông trại “theo kiểu Israel” tại Ninh Thượng từ cuối năm 2018.

PV: Vùng đất nằm sát chân núi ở xã Ninh Thượng, xưa nay được biết đến với nắng gió và sự khô cằn. Nay đã xuất hiện một nông trại hiện đại, xanh tươi. Hành trình thay đổi vùng đất này đã được thực hiện như thế nào?

Anh Nguyễn Tá Đông: Chúng tôi chọn nơi đây vì có quỹ đất lớn, giá đất phù hợp, giao thông thuận lợi, chứ không ngại khó khăn, không sợ nắng gió. Trước đây nguyên khu này là nguyên liệu của nhà máy mía đường, người dân trồng mía sử dụng lượng lớn thuốc diệt cỏ suốt một thời gian dài mà ít chú trọng tới việc cải tạo đất, vì vậy đất rất nghèo dinh dưỡng, hệ vi sinh vật trong đất hầu như không có. Do đó khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã bổ sung hàng trăm tấn hữu cơ mỗi năm để giúp đất trở nên tơi xốp hơn. Cỏ sẽ được để tự nhiên nhằm giữ độ ẩm cho đất, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm nhiệt độ đất tăng cao, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài côn trùng, vi sinh vật dưới đất và phát định kỳ 2 – 3 lần/năm. Số cỏ phát xuống sau một thời gian sẽ tự phân hủy và trả lại cho đất một lớp mùn.

Nguyễn Tá Đông cùng hai chuyên gia nông nghiệp Israel
Nguyễn Tá Đông cùng hai chuyên gia nông nghiệp Israel

Bây giờ vùng đất đã có một hình hài mới. Nông trại được quy hoạch theo nhiều khu vực một cách khoa học, gồm: Khu cây trồng (bưởi, xoài, chuối, dừa, mít…), khu chăn nuôi (ngựa, cừu, bò, gà), khu rau củ – dược liệu, khu chế biến, thực nghiệm… The Moshav Farm được xây dựng theo mô hình làng nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch sinh thái. Ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như tại khu cây trồng được đánh dấu bằng số để quản lý trên máy tính, sử dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương, bón phân tự động; đồng thời phân chia khu vực chăm sóc, quản lý cây trồng cho từng nhóm người. Kết quả công việc được báo cáo hằng ngày và được theo dõi trên phần mềm quản lý hiệu quả công việc. Tất cả cây trồng đều được chăm sóc bằng phân hữu cơ, từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở các khu chăn nuôi tại nông trại và các hộ dân địa phương.

Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp, chúng tôi còn giới thiệu mô hình này tới nhiều bạn trẻ khác có cùng niềm đam mê nông nghiệp tới đây tham quan, học tập và hiện nay cũng đã có một số bạn đầu tư làm trang trại xung quanh tạo thành một cộng đồng cùng hỗ trợ nhau.

PV: Cái tên “The Moshav Farm” chắc hẳn cũng liên quan đến điều gì đó về nông nghiệp theo kiểu Israel?

Anh Nguyễn Tá Đông: “Moshav” là từ gốc của Do Thái, nghĩa là một làng nông nghiệp, nơi có rất nhiều trang trại tập trung tại một khu tạo thành cộng đồng, các Farmer (nông dân) có gia đình và họ sống xung quanh khu đó, có cửa hàng vật tư nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất, có trường học, khu thể thao, khu sinh hoạt văn hóa chung cho mọi người, có cửa hàng giới thiệu và bày bán các sản phẩm nông sản của các farm… tạo thành khu phức hợp. Chúng tôi mong muốn phát triển theo mô hình như vậy để sau này nhân viên gắn bó cũng có cơ hội sinh sống tại gần nơi làm việc cùng với gia đình, con cái và yên tâm cống hiến.

Vườn hoa hướng dương tại nông trại

TỪ BỎ QUYỀN SỞ HỮU, SẼ TRẮNG TAY NẾU…

PV: Tôi có nhớ một câu chuyện rất thú vị anh từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Đó là anh và nhóm bạn của mình tại The Moshav Farm thống nhất tất cả đều ký vào vi bằng là từ bỏ quyền sở hữu, chuyển cho người khác trắng tay nếu rời công ty trong 5 năm. Và sau 5 năm đó, biến thành cổ phần, tức là từ bỏ luôn quyền sở hữu đất, cho công ty thuê dài hạn và không có quyền đòi lại. Cụ thể là như thế nào?

Anh Nguyễn Tá Đông: Đầu tư vào nông nghiệp là xác định con đường đi dài hạn. Để làm được điều này thì ngoài vốn ra cũng cần những người có tâm huyết, yêu nghề, vì vậy chúng tôi đã ngồi lại với nhau và cùng thống nhất cách làm, có cam kết để ai cũng phải nỗ lực hết mình, đi đến cùng. Việc ký vào vi bằng từ bỏ quyền sử dụng đất cũng là một cách để mọi người thể hiện sự cam kết của mình với người khác, với công ty.

Tại sao lại là 5 năm mà không phải là con số khác? Vì cây trồng từ lúc chuẩn bị xuống giống tới khi thu hoạch cũng mất tầm đó thời gian, đây là giai đoạn đầu tư (sức lực, trí tuệ, con người) và cũng là giai đoạn khó khăn nhất, do đó cần sự đồng lòng. Mọi người phải cùng làm với nhau thì mới thấu hiểu và dễ dàng đưa ra phương án giải quyết khi gặp vấn đề. Sau thời gian này, mọi thứ bắt đầu dần đi vào ổn định, anh em bắt đầu có thu nhập, lúc này số tiền góp vào sẽ được quy ra theo tỷ lệ cổ phần và được hưởng cổ tức theo phần trăm lợi nhuận hàng năm.

Các bạn trẻ học tập, trải nghiệm tại The Moshav Farm
Các bạn trẻ học tập, trải nghiệm tại The Moshav Farm

PV: Dường như tư duy của mọi người tại The Moshav Farm rất khác biệt?

Anh Nguyễn Tá Đông: Tôi may mắn có đội ngũ cộng sự trẻ trung, năng động, mỗi người đến từ các tỉnh, thành khác nhau nhưng đều là thế hệ 9X nên khá hiểu nhau cả về tư duy và cách làm việc. Chúng tôi làm hết sức mình. Có những thời gian làm việc không kể ngày đêm, làm không biết mệt. Tất cả đều không ngại va chạm, mục đích cuối cùng là ra được kết quả như mong đợi.

Tuy giai đoạn đầu mọi thứ còn nhiều khó khăn, nhưng ai cũng hướng đến tinh thần vì cộng đồng. Mỗi tháng anh em đều tự nguyện trích ra một phần thu nhập của mình để làm các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn. Chúng tôi còn chung tay cùng các anh chị chủ doanh nghiệp khác thành lập quỹ bảo trợ cho các bé mồ côi, giúp các em có điều kiện đến trường và bảo trợ cho các em tới hết 18 tuổi.

KHÔNG CHỈ LÀ NÔNG DÂN

PV: The Moshav Farm đã thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê nông nghiệp đến học hỏi, thực tập, trải nghiệm. Nông trại dường như đang là một địa chỉ tin cậy để truyền cảm hứng cho giới trẻ về nông nghiệp sạch?

Vùng đất khô cằn trước khi nông trại The Moshav Farm hình thành
Vùng đất khô cằn trước khi nông trại The Moshav Farm hình thành

Anh Nguyễn Tá Đông: Chúng tôi may mắn được trải nghiệm, học tập và làm việc tại Israel, được học hỏi cách làm nông nghiệp hiện đại của họ, biết được tư duy làm nông nghiệp không phải là việc sáng vác cuốc ra đồng, chiều về nhà, mà là một cách làm hoàn toàn khác. Nông dân làm doanh nghiệp, nghĩa là làm nông với tinh thần doanh chủ, sáng vẫn ra đồng thăm cây, nhưng tối lại ở một nơi khác để chào hàng, tìm, cập nhật những kiến thức/xu thế mới của thị trường, vẫn đi đây đó để mở rộng mối quan hệ, để tiếp cận những cách làm mới, hiện đại về áp dụng.

Chúng tôi cố gắng tạo ra môi trường làm việc thoải mái để mọi người có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình. Nhận những bạn mới ra trường chưa có kinh nghiệm để đào tạo, giúp các bạn có môi trường để trải nghiệm, học tập, được thử sức ở những vị trí có nhiều thử thách bản thân và chấp nhận bỏ chi phí ra để thử nghiệm các mô hình khác nhau để tính hiệu quả và chuyển giao cho những ai cần.

Việc làm nông cũng sẽ không còn quá khó, vất vả như nhiều người nghĩ nếu chúng ta biết áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chăm sóc cây trồng cũng không cần phải phun xịt liên tục nếu tạo được môi trường đa dạng sinh thái, kiểm soát cỏ dại tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là diệt cỏ.

PV: Hiện nay, câu chuyện “bỏ phố về quê làm nông nghiệp không còn mới. Bên cạnh những người thành công, cũng có nhiều người thất bại. Theo anh, cần những yếu tố gì để thành công khi làm nông nghiệp?

Anh Nguyễn Tá Đông: Làm nông không khó, nhưng để làm một cách bài bản thì cần có kiến thức, có sự chuẩn bị và làm một cách nghiêm túc. So với các ngành khác thì nông nghiệp là ngành có tỷ lệ rủi ro cao hơn nhiều, bởi còn phục thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai, do đó yếu tố tiên quyết nếu muốn thành công trong lĩnh vực này đó là phải có đam mê và sự kiên trì theo đuổi đến cùng.

Nguyễn Tá Đông giới thiệu cho khách những sản phẩm được làm từ thảo dược tại nông trại
Nguyễn Tá Đông giới thiệu cho khách những sản phẩm được làm từ thảo dược tại nông trại

PV: Tôi nhớ có lần anh chia sẻ rằng nông trại đưa 100 cây sầu riêng về trồng, nhưng sau đó thì chết dần không còn cây nào. Trồng cây ăn quả tại đây khó khăn vậy sao?

Anh Nguyễn Tá Đông: Mỗi cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Chỉ có nơi đó mới cho ra năng suất và chất lượng ngon nhất, tuy cũng có thể trồng ở những nơi khác nhưng chi phí đầu tư cao hơn và năng suất, chất lượng chưa chắc đạt được như mong đợi.

Chúng tôi làm mô hình, chấp nhận bỏ chi phí để thử nghiệm (dựa trên những tìm hiểu và nghiên cứu khoa học) để tính hiệu quả kinh tế và chuyển giao cho người dân. Nếu chúng tôi không làm điều này thì sẽ không ai dám đi theo, không ai dám trồng/nuôi những cây/con mới vì cho rằng không phù hợp, không mang lại hiệu quả. Trước đây khu này không ai nghĩ là có thể trồng nho, nuôi cừu, nhưng thực tế đã chứng minh rằng chúng tôi đang làm rất tốt. Có những thứ phải trả giá nhưng cũng có những thứ cho tín hiệu tốt, đem lại hiệu quả cao, đó là điều mang lại ý nghĩa nhất khi chúng tôi làm cho tới thời điểm hiện tại.

Trồng nho tại The Moshav Farm
Trồng nho tại The Moshav Farm

PV: The Moshav Farm đang phát triển như thế nào?

Anh Nguyễn Tá Đông: Chúng tôi có quỹ đất lớn, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn đồi, đó là một lợi thế để làm thành hàng rào sinh học, tạo đa dạng sinh thái. Chúng tôi cũng có sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài nên sẽ dần hoàn thiện quy trình, kỹ thuật canh tác với phương châm hạn chế tối đa tác động tới môi trường xung quanh và hệ vi sinh vật bản địa. Các sản phẩm đều có mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng.

Ngoài phát triển các loại cây ăn quả, vật nuôi, hiện nay, nông trại còn cho ra một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ cây ngắn ngày như lá xông giải cảm, dầu gió bạc hà, bột gừng… Đồng thời, hợp tác với các chuyên gia, các trường đại học để nghiên cứu ra những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường như nước rửa tay, nước giặt từ trái bồ hòn. Tất cả đều được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn châu Âu, được xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…

PV: Liệu với 56ha đã đủ rộng với khát vọng của The Moshav Farm chưa?

Anh Nguyễn Tá Đông: Thời gian tu nghiệp ở Israel, chúng tôi đã được tham quan những nông trại hàng trăm ha, thậm chí là những làng nông nghiệp hàng ngàn ha. Khi lập nghiệp, chúng tôi cũng có tham vọng nông trại phát triển rộng lớn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng và mơ ước lớn nhất là một ngày không xa, Việt Nam mình sẽ có thêm những làng nông nghiệp với các nông trại cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng. Và với cách làm hiện đại, trên những nông trại ấy, người nuôi trồng không chỉ là nông dân, mà còn trở thành những nhà kinh doanh nông nghiệp.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích