90% nữ giới ở các nước nghèo không được tiếp cận với Internet
90% nữ giới ở các nước nghèo không được tiếp cận với Internet
Theo UNICEF, khoảng 90% nữ giới trong độ tuổi từ 15-24 sinh sống tại các nước nghèo nhất trên thế giới không được tiếp cận với Internet.
Vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố những thông tin về khảo sát sử dụng internet tại 54 quốc gia có mức thu nhập thấp nhất thế giới. Báo cáo cho thấy, khoảng 65 triệu nữ giới tuổi từ 15-24 tại những quốc gia này, tương đương khoảng 90%, không được tiếp cận internet, cao hơn khá nhiều so với khoảng 57 triệu nam giới ở cùng độ tuổi (chiếm khoảng 78%). Nam Á là khu vực có chênh lệch kỹ thuật số lớn nhất.
Việc thiếu cơ hội tiếp cận và sử dụng internet dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng, khiến nữ giới tại những quốc gia nghèo nhất thế giới đối diện nguy cơ tụt hậu về mặt kinh tế trong bối cảnh bùng nổ kết nối kỹ thuật số.
Theo báo cáo, trẻ em gái ít có cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết trong học tập và làm việc ở thế kỷ XXI. Tính trung bình trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, kỹ năng kỹ thuật số của nhóm đối tượng này thấp hơn 35% so với các trẻ em trai, kể cả những thao tác đơn giản như sao chép văn bản hoặc gửi thư điện tử…
Theo AFP, môi trường giáo dục và gia đình góp phần gây ra sự chênh lệch lớn. Trong phạm vi gia đình, trẻ em gái ít có khả năng tiếp cận, sử dụng internet và công nghệ kỹ thuật số so với trẻ em trai. Ở 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ lệ nữ giới sở hữu điện thoại di động chỉ chiếm 13%, khiến họ bị hạn chế cơ hội tiếp cận thế giới kỹ thuật số.
Trong một tuyên bố, Giám đốc Giáo dục UNICEF Robert Jenkins cho biết, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa trẻ em gái và trẻ em trai không chỉ đơn thuần là khả năng tiếp cận internet và công nghệ, mà còn là việc trao quyền cho trẻ em gái ở những khía cạnh như đổi mới sáng tạo và lãnh đạo.
Do đó, nỗ lực hỗ trợ những người trẻ tuổi, đặc biệt là nữ giới, trong phát triển kỹ năng kỹ thuật số được đánh giá là chìa khóa để giải quyết vấn đề khoảng cách giới trên thị trường lao động, nhất là ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Báo cáo của UNICEF cảnh báo ngay cả khi trẻ em gái được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội giáo dục truyền thống như toán học và đọc hiểu, việc này cũng không có nghĩa các em sẽ được tiếp cận các kỹ năng kỹ thuật số.
Năm 2020, UNICEF và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho biết 2/3 trẻ em ở độ tuổi đi học trên thế giới không được tiếp cận Internet tại nhà.
Theo báo cáo trên, ước tính có tới 1,3 tỷ em nhỏ từ 3-17 tuổi không được kết nối mạng ở nhà. Báo cáo cũng phát hiện ra một tỷ lệ tương tự ở độ tuổi thanh thiếu niên, với 63% người từ 15-24 tuổi.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, tình trạng không được kết nối mạng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của giới trẻ trong nền kinh tế hiện đại và “cô lập họ với thế giới.”
Theo bà Fore, các phát hiện của báo cáo trên đặc biệt đáng lo ngại, khi trường học ở khắp nơi vẫn phải đóng cửa vì dịch bệnh, khiến hàng triệu học sinh, sinh viên phải dựa vào việc học tập từ xa. Bà Fore nhấn mạnh: “Không được kết nối mạng sẽ khiến thế hệ tiếp theo phải trả giá bằng tương lai của chính họ.”
Báo cáo của UNICEF và ITU cũng thận trọng rằng ngay trước khi dịch bùng phát, sự chia rẽ về kỹ thuật số đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất công, khiến trẻ em trong các gia đình nghèo nhất và tại các nước có thu nhập thấp ngày càng có ít cơ hội để đuổi kịp bạn bè ở nước khác.
Báo cáo phát hiện ra rằng chưa đến 1 em trong số 20 em ở độ tuổi đi học tại các nước có thu nhập thấp được tiếp cận với Internet ở nhà, trong khi con số này ở các nước giàu là 9/10 em.
Khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara và Nam Á là nơi trẻ em ít được kết nối nhất, với 9/10 em không có kết nối mạng tại nhà. Bên cạnh đó có sự khác biệt giữa các thị trấn với thành phố và khu vực nông thôn. 60% trẻ em sống ở đô thị không có mạng, trong khi con số này là 75% ở nông thôn.
Báo cáo trên cảnh báo ngay cả khi có Internet tại nhà, trẻ em cũng có thể không kết nối được và trẻ em gái có thể được tiếp cận ít hơn so với trẻ em trai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị