8 yêu cầu người bán và 6 điều người mua phải tuân thủ khi dùng thẻ đi chợ mùa dịch
8 yêu cầu người bán và 6 điều người mua phải tuân thủ khi dùng thẻ đi chợ mùa dịch
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế vừa tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ trong đó đưa ra những yêu cầu đối với người bán và người mua khi sử dụng thẻ đi chợ.
Người dân Hà Nội được phát phiếu đi chợ để giảm thiểu lượng tập trung đông người
Hộ kinh doanh và người đi chợ bằng thẻ cần tuân thủ điều gì?
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Công văn 5858 có “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ” đã được Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành.
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng.
Trong đó, đối với hộ kinh doanh, cơ quan chức năng yêu cầu:
Thứ nhất, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Thứ hai, các hộ ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm;
Thứ ba, quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.
Thứ tư, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết.
Thứ năm, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu.
Thứ sáu, nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách.
Thứ bảy, thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Thứ tám, bản thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hướng dẫn với người bán hàng.
Người dân vào chợ dân sinh sẽ phải trình phiếu đi chợ
Đối với khách hàng và người lao động, Bộ Y tế cho biết cần lưu ý 6 điểm trước khi đến chợ. Cụ thể:
Thứ nhất, không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly.
Thứ hai, phải khai báo y tế hàng ngày, thực hiện 5K.
Thứ ba, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng.
Thứ tư, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi di chuyển đến chợ và ngược lại.
Thứ năm, người lao động ký cam kết thực hiện, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Thứ sáu, khách hàng đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng.
Đáng chú ý, các vấn đề cần giải quyết không cứng nhắc, cần có sự linh hoạt.
Ai chi trả kinh phí test nhanh cho các tiểu thương?
Từ các điểm cầu trực tuyến, đại diện các Phòng Quản lý thương mại của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, Kon Tum, Bình Phước, Kiên Giang, Đồng Nai, Khánh Hoà, Nghệ An cũng cho biết, đối với các trung tâm thương mại, siêu thị thì thực hiện thế nào; về kinh phí test nhanh của các hộ tiểu thương, kinh phí hoạt động của Ban quản lý chợ; việc thực hiện Bản đồ số phòng chống COVID-19; vấn đề truy vết F0, F1; vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hoá…
Phản hồi thông tin về các ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Anh Dũng – Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế) – nhấn mạnh, hướng dẫn theo Công văn 5858 chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16.
Đối với thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp 1 thẻ có thể đi nhiều chợ.
Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 thì áp dụng kinh phí nhà nước là phù hợp.
Về vấn đề bố trí khu vực cách ly tạm thời, có thể bố trí khu vực bảo đảm giãn cách có khoảng cách tối thiểu trên 2m với các khu vực khác nhằm giảm tiếp xúc.