8 việc cần làm sau bão số 3 Yagi
8 việc cần làm sau bão số 3 Yagi
Bão số 3 Yagi gây gió mạnh, kèm theo mưa lớn liên tục khiến thiệt hại về người và tài sản vô cùng lớn.
Những việc cần làm sau bão
Bão số 3 với cường độ rất mạnh đã đổ bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, hiện đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ. Dự báo các tỉnh Bắc Bộ còn mưa lớn sau bão.
Để đảm bảo an toàn, Cục Quản lý đê điều và
Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khuyến cáo người
dân cần lưu ý:
– Theo dõi diễn biến của mưa lũ sau bão để chủ động
ứng phó.
– Kịp thời sơ tán người tại các khu vực bị ngập sâu,
nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
– Kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước
khi sử dụng; chú ý cây xanh, biển quảng cáo đã bị gió bão làm nghiêng, đổ khi
lưu thông trên đường.
– Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp
nước, thông tin.
– Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống,
khôi phục sản xuất.
– Tham gia dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng,
phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.
– Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, chính
xác với chính quyền địa phương.
– Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
– Hoàn lưu sau bão còn tiếp tục gây thiệt hại.
Hoàn lưu sau bão còn tiếp tục gây thiệt hại
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo
Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 8/9, Thủ đô Hà Nội
và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn, có thể gây ngập lụt nặng.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Đến ngày 9/9, trên thượng lưu nhiều sông xảy
ra đợt lũ với báo động cấp 1-2. Do mưa lớn trong thời gian tiếp theo, nên cảnh
báo nguy cơ ngập lụt ở các thành phố, đô thị và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc
biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và TP Hà Nội.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo
khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố nguy hiểm từ hoàn lưu
bão số 3 rất rộng, bao trùm cả khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
“Trong hệ thống mây rộng này có thể xuất
hiện các ổ mây đối lưu gây mưa giông, lốc và gió giật xoáy, còn tiếp tục ảnh hưởng
đến các hoạt động ngoài trời”, ông Khiêm cảnh báo.
Và ngay cả với khu ven biển Quảng Ninh, Hải
Phòng, Thái Bình, dù bão số 3 đã đi qua, vẫn cần đề phòng hiện tượng sóng cao
và nước dâng, có thể ảnh hưởng mạnh đến tàu thuyền ven bờ và hoạt động nuôi trồng
thủy sản.
Tiếp tục cảnh báo hậu bão số 3, ông Phạm Đức
Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)
lưu ý, đối với vùng miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm
tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao
xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến
nơi an toàn.
Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm
soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở;
bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, thông tuyến
giao thông.
Ông Luận cũng nhấn mạnh các địa phương cần sẵn
sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố mất an toàn hồ, đập của
các hồ, đập xung yếu hoặc đang thi công.
“Chúng ta phải sẵn sàng vận hành tiêu úng
khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. Mưa bão rất tập trung chứ không
mưa rải, có thể mưa 300mm trong vòng có một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội,
khu công nghiệp sẽ có nguy cơ cao là ngập úng. Chúng ta phải vận hành khẩn
trương vận hành các trạm tiêu úng. Ví dụ như Hà Nội hiện nay đang vận hành tối
đa của trạm bơm tiêu Yên Sở để rút nước đi, khi mà mưa về có chỗ để chứa,”
ông Luận nói.