8 mô hình toàn dân bảo vệ an ninh hiệu quả tại TP.HCM

Tại hội nghị, các đơn vị, tổ chức thành viên cũng ký kết chương trình về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023 – 2033.

Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc: “… Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên xây dựng và triển khai chương trình phối hợp số 478 về “Đẩy mạnh phong trào an ninh tổ quốc trong tình hình mới. Qua 10 năm thực hiện và triển khai chương trình (giai đoạn 2013 – 2023), đã xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giúp cho lực lượng chức năng phòng ngừa, phát hiện kịp thời, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm…”.

Theo số liệu báo cáo từ Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp số 478/Ctr-CA-MTTQ TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố có tổng số 41 loại mô hình trong phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự. Trong đó lực lượng Công an Thành phố đang trực tiếp duy trì 19 loại mô hình, có 8 mô hình đang hoạt động khá hiệu quả.

Nổi bật là mô hình camera giám sát tình hình an ninh trật tự là một trong những điển hình. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 4.258 đầu thu với hơn 30.000 mắt camera được triển khai tại 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Qua đó, đã giúp công an trích xuất khám phá nhiều vụ và bắt được nhiều đối tượng, giải quyết nhiều vụ gây rối tình hình an ninh trật tự, có tác dụng phòng ngừa, truy bắt tội phạm.

Mô hình Lực lượng công an quận, huyện ra quân giúp dân tiếp cận các tiện ích của công nghệ 4.0 thực hiện dịch vụ công và tố giác tội phạm đã được triển khai tại 10/22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Với mô hình trên, lực lượng công an ứng dụng tiện ích CCCD phục vụ công tác quản lý cư trú và phòng chống tội phạm tại chung cư cao tầng trên địa bàn quận, huyện để phát hiện các đối tượng truy nã, quản lý người cư trú ở các chung cư, khu dân cư. Qua đó giúp người dân chủ động tham gia phòng chống tội phạm, hỗ trợ công an truy bắt tội phạm, đồng thời cung cấp cho cơ quan công an nhiều thông tin liên quan đến an ninh trật tự.

Đó còn là các mô hình: Nhóm hộ tự quản về an ninh trật tự; Nhà trọ tự quản về an ninh trật tự; Chốt dân phòng tự quản; Tổ tự quản vì an ninh trật tự khu vực chung cư; Xe ôm tự quản…

Ông Cao Thanh Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 trình bày mô hình “Tổ tự quản vì ANTT tại chung cư” và mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư (5+1)” trên địa bàn.

Theo ông Cao Thanh Tuấn Anh thông tin, mô hình “Tổ tự quản vì ANTT tại chung cư” đã tổ chức 236 ca tuần tra khu vực chung cư với hơn 1.600 lượt người tham gia, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, nhắc nhở người dân cảnh giác trong giữ gìn tài sản, chấp hành trong công tác Phòng cháy chữa cháy. Đối với mô hình “5+1”, từ năm 2015 đến nay, Quận 4 đã cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ 278 người, trong đó có 84 người tiến bộ. Địa phương đã giới thiệu thành công cho 93 trường hợp có việc làm ổn định, giới thiệu học nghề cho 47 trường hợp, giúp 23 người lầm lỗi được cảm hoá, giáo dục phấn đấu tiến bộ, ổn định cuộc sống.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh – Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) báo cáo kết quả thực hiện mô hình “Nhà trọ tự quản về an ninh trật tự” trên địa bàn.

Theo Trưởng Công an huyện Bình Chánh đánh giá, mô hình trên đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm tại các khu nhà trọ, nơi tập trung đông công nhân trên địa bàn huyện.

“Các lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp cùng các tổ chức chính quyền, đoàn thể các cấp định hướng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc…” – Thượng tá Nguyễn Văn Minh thông tin.

Ngoài ra, các bên cũng tăng cường thực hiện: công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng khu phố, người có uy tín, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc làm hạt nhân trong “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhìn nhận chung: “tình hình thế giới diễn biến khá phức tạp, dẫn đến tình hình trong nước cũng có nhiều thách thức. Chính vì thế, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đặt ra nhiều bài học kinh nghiệm và phải thích ứng với tình hình mới”.

Theo Bà Trần Kim Yến đánh giá, “Phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc” trên địa bàn không chỉ là mặt trận của riêng Công an TP Hồ Chí Minh mà cần phải phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, cũng như công tác tham mưu của các cơ quan đối với cấp uỷ và chính quyền trong triển khai và thực hiện.  Bà Trần Kim Yến mong muốn các đơn vị tham gia ký kết tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và huy động sức mạnh của toàn dân, góp phần bảo vệ an toàn xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Công an Thành phố với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh ký kết chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2023 – 2033. 

Nội dung chương trình phối hợp giữa Công an Thành phố và Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh vao gồm 7 nội dung chính: 

1. Định hướng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

3. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn, lĩnh vực.

4. Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn việc thực hiện phong trào với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác.

5. Phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng khu phố, người có uy tín,… làm hạt nhân trong phong trào.

6. Xây dựng lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể… trong sạch, vững mạnh, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ, pháp luật trong thực hiện phong trào.

7. Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng phong trào; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Hội nghị đã thông qua Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giữa Công an Thành phố với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2023 – 2033. Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đại diện lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cùng các tổ chức đoàn thể tham gia chương trình hợp tác cùng chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị. 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích