70% số vụ phản ánh bức xúc liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi
70% số vụ phản ánh bức xúc liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi
Theo đường dây tiếp nhận ý kiến của Tổng cục Môi trường, trong số ý kiến phản ánh của cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc tại địa phương có đến 70% số vụ việc phản ánh liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi.
Ô nhiễm mùi là dạng ô nhiễm không khí phức tạp
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, ô nhiễm mùi là dạng ô nhiễm không khí phức tạp, được tạo ra từ sự kết hợp của các hợp chất khác nhau. Thành phần khí ô nhiễm gây mùi thường chứa nhóm các chất như NH3, H2S… hay nhóm các chất hữu cơ như hóa chất BVTV, VOC… Ô nhiễm mùi được đặc biệt quan tâm do đặc tính mùi hôi gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khả năng phát tán trên diện rất rộng.
Báo cáo cũng cho biết, các ngành công nghiệp có mức độ ô nhiễm mùi cao là thuộc da, chế biến mủ cao su, sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi heo, các ngành cơ khí luyện kim, các ngành nghề thuộc loại hình chế biến thủy sản, chế biến bột cá, chế biến phụ phẩm thủy sản… Ô nhiễm mùi phụ thuộc rất lớn vào loại hình sản xuất của các nhà máy, thời gian, điều kiện thời tiết và hướng gió chủ đạo.
Hiện nay việc xác định các thông số chỉ thị về mùi để thực hiện quan trắc không khí đối với các cơ sở gây ra mùi hôi còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy quy định rõ ràng, các thông số chỉ thị về mùi và ngưỡng phát hiện mùi hôi đặc thù cho từng cơ sở, hiện mới chỉ quy định chung trong môi trường xung quanh đối với 8 thông số các chất gây mùi khó chịu trong QCVN 06:2009/BTNMT, do đó việc giải quyết các khiếu nại của cộng đồng đối với các cơ sở gây ô nhiễm mùi gặp nhiều khó khăn.
Theo đường dây tiếp nhận ý kiến phản ánh của Tổng cục Môi trường, trong số ý kiến phản ánh của cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc tại địa phương có đến 70% số vụ việc phản ánh liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi.
Theo nghiên cứu của Joji Fukuyama (Nhật Bản), nguồn phát thải mùi bắt nguồn từ hoạt động sản xuất của các loại hình công nghiệp khác nhau, phụ thuộc vào quy mô phát triển, công nghệ sản xuất và đặc tính nguồn thải. Tuy nhiên, giá trị của các thông số như thành phần mùi, nồng độ mùi, nhiệt độ, lượng khí thải… có thể thay đổi trong phạm vi rộng.
Thành phần khí ô nhiễm gây mùi thường chứa nhóm các chất gây mùi có khả năng dễ định lượng dưới dạng vô cơ như ammoniac, hydrosulfua… hay nhóm các chất hữu cơ như thuốc bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ (metan, butan, benzen, xylen, xiclohexanon, toluen…) hoặc nhóm các chất rất khó định lượng, bay hơi ở điều kiện nhiệt độ thường như VOC (gồm nhiều chất hữu cơ bay hơi mà điển hình là nhóm các chất thuộc ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm (mùi gia vị), mỹ phẩm…
Ô nhiễm mùi tác động đến sức khoẻ con người trên diện rộng
Ô nhiễm mùi được đặc biệt quan tâm do đặc tính mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khả năng phát tán trên diện rộng của nó. Các ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe do ô nhiễm mùi như cay mắt, nhức đầu, dị ứng da, vấn đề về ngủ… đã được báo cáo. Mặt khác, ô nhiễm mùi có thể phát tán trên diện rộng ở mức độ địa phương hoặc khu vực.
Xin được dẫn lại câu trả lời bạn đọc trên TTO của TS.BS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai – mũi – họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) về vấn đề ảnh hưởng của ô nhiễm mùi hôi tới sức khoẻ con người.
Theo bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI), chất lượng không khí được chia thành 6 mức. Tương ứng mỗi mức sẽ thể hiện ý nghĩa sức khỏe và khuyến cáo phòng bệnh.
Mức 1: Chỉ số AQI từ 0-50 (tốt cho sức khỏe).
Mức 2: AQI từ 50-100 (vừa phải).
Mức 3: AQI từ 100-150 (không tốt cho các nhóm nhạy cảm).
Mức 4: AQI từ 150-200 (có hại cho sức khỏe).
Mức 5: AQI từ 200-300 (rất nguy hại cho sức khỏe)
Mức 6: AQI từ 300-500 (nguy hiểm), cảnh báo mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về sức khỏe.
Riêng về mùi hôi được chia thành 3 cấp dựa vào lượng thời gian tiếp xúc và mức độ chịu đựng của cơ thể:
– Mức độ tối cấp: hít mùi hôi thối trong thời gian ngắn nhưng có biểu hiện hoa mắt, đau đầu, nôn ói, khó thở, suyễn, suy hô hấp… thường gặp ở đối tượng dễ mẫn cảm như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người lần đầu tiên ngửi mùi hôi…
Mức độ này xảy ra ngay khi hoặc vài giờ sau tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Người bị bệnh sẽ có nhiều triệu chứng toàn thân như mô tả và nặng nề có thể nguy hiểm đến tính mạng.
– Mức độ cấp tính: hít mùi hôi thối trong thời gian tương đối dài, gây viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gây ho, khạc đờm nhớt, sổ mũi… thường gặp ở những hộ dân buộc phải sống chung trong không khí ô nhiễm.
Mức độ này xảy ra từ vài ngày đến 3 hay 4 tuần sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm với triệu chứng nhẹ hơn so với cấp độ tối cấp. Bệnh nhân vẫn có thể bị nguy hiểm nếu tiếp tục tiếp xúc với chất gây ô nhiễm.
– Mức độ mãn tính: hít mùi hôi thối trong thời gian dài, gây ra các bệnh mãn tính như xơ phổi, giãn phế quản, viêm phế quản, nám phổi, lao phổi, thậm chí bội nhiễm apxe phổi… thường gặp ở công nhân vệ sinh cầu cống…
Triệu chứng kéo dài trên 3 tháng với triệu chứng hô hấp và những triệu chứng toàn thân như da, tóc, móng và một số cơ quan khác như tai mũi họng, mắt, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, xương khớp…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị