70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Sáng 10/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Đây là sự kiện có ý
nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ
đô, dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng của
đất nước Việt Nam anh hùng.
Trong diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
đã ôn lại quá khứ hào hùng của quân dân cả nước nói chung và quân dân Hà Nội
nói riêng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải
phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ độc lập và phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời
khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân
đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Hơn
bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí
thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về… Chúng ta đem vinh
quang sức dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui từ đây,” đón mừng đoàn quân chiến
thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về.”
Thời
khắc lịch sử đó là minh chứng về sức dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa
bình của nhân dân ta; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất
nước; đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, chấm dứt 9 năm
kháng chiến trường kỳ.
“Hà
Nội – Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-sạch bóng quân thù; nhân dân ta
làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới,
xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn
năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long-Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh,” Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.
Sau
khi được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần tự lực cánh sinh,
lao động cần cù, sáng tạo, Thủ đô Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến
tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển.
Trong
kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn trọng điểm thường xuyên bị đế quốc Mỹ tập
trung đánh phá ác liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thể hiện rõ vai
trò đầu tàu gương mẫu, vừa anh dũng chiến đấu, vừa tích cực cùng nhân dân miền
Bắc thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương lớn, dốc sức chi viện cho
tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không
thiếu một người.”
Theo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, là nơi khởi xướng nhiều phong trào cách mạng
“Ba sẵn sàng,” “Ba đảm đang,” “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ
quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; vì Huế-Sài Gòn kết
nghĩa”…, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, lan rộng trên cả
nước; phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trở thành nguồn cổ vũ, động viên to
lớn, thôi thúc hàng chục vạn thanh niên Thủ đô hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường
Sơn đi cứu nước” với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.”
Bản
lĩnh và trí tuệ Việt Nam tiếp tục được thể hiện sáng rõ với 12 ngày đêm Quân
đội nhân dân, Công an nhân dân cùng dân quân, tự vệ và nhân dân Hà Nội và một
số địa phương miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, sử
dụng “pháo đài bay B.52” với ý đồ hủy diệt, “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”
của đế quốc Mỹ; làm nên kỳ tích “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vang dội,
buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình
ở Việt Nam; tạo tiền đề quan trọng để quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa
Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, Hà
Nội được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế ngợi ca, vinh danh là “Thủ đô của
lương tri và phẩm giá con người.”
“Đất
nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách
mạng mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân Hà Nội cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ, vượt qua mọi khó
khăn, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Tiếp đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm, đại diện nhân chứng lịch sử, ông Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng (nguyên cán bộ Trung đoàn
102 – Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 – Đại đoàn Quân Tiên phong) đã xúc động
kể lại những kỷ niệm của Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây tròn 70 năm.
“Chúng tôi luôn tâm niệm, mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô,
chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống
cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu
trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát
động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến
bộ hơn”, cựu chiến binh Nguyễn Thụ chia sẻ.
Đại diện thế hệ trẻ, sinh viên
Nguyễn Chi Phương (Trường Đại học Luật Hà Nội) bày tỏ: “Chúng cháu nguyện mang
khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và
đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, xây dựng
đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.