7 công cụ kiểm soát chất lượng và sứ mệnh nâng cao năng suất

Vào năm 1950, W. Edwards Deming – nhà khoa học hàng đầu thế giới về quản lý chất lượng lần đầu tiên giới thiệu việc sử dụng các công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng cho Hiệp hội các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản (Japanese Union of Scientists and Enginneers – JUSE). Kaoru Ishikawa – Giáo sư Trường Đại học tổng hợp Tokyo vào thời điểm đó đồng thời cũng là một thành viên của JUSE đã thể thức hóa các công cụ thống kê này dưới tên gọi “Seven Quality Control Tools”, được dịch sang tiếng Việt là “Bảy công cụ kiểm soát chất lượng”.

Kaoru Ishikawa nhận định rằng, 95% vấn đề trong doanh nghiệp có thể được giải quyết bằng việc ứng dụng bảy công cụ kiểm soát chất lượng. Với việc thực hành các công cụ này, doanh nghiệp sẽ chủ động, hiệu quả hơn trong nhận diện các vấn đề của mình (ví dụ: các lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình; nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm; cơ hội cải tiến…), xác định được đâu là nguyên nhân gốc của vấn đề, định ra  thứ tự ưu tiên cần giải quyết để đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng các nguồn lực, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề.

7 công cụ kiểm soát chất lượng và sứ mệnh nâng cao năng suất.

Bảy công cụ kiểm soát chất lượng truyền thống bao gồm: Phiếu kiểm tra (Checksheet); Lưu đồ (Flow chart); Biểu đồ nhân quả (Cause and Effect Diagram); Biểu đồ Pareto (Pareto Diagram); Biểu đồ phân tán (Scatter Diagram); Biểu đồ phân bố (Histogram); Biểu đồ kiểm soát (Control Chart). 

Trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh, việc xử lý các số liệu cũng như thiết lập quy trình bằng những hình ảnh minh họa cụ thể rất quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa trong việc nhận biết nhanh xu hướng của quá trình, từ đó có thể đánh giá xu hướng của quá trình đó một cách toàn diện hơn và có được phương pháp giải quyết vấn đề tốt nhất. Chúng ta biết rằng, phân tích dữ liệu bằng thống kê là “ngôn ngữ thứ hai” để diễn tả trung thực và khách quan tình trạng của quá trình để tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề. Đây là công cụ hiệu quả để phân tích, cải tiến quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phòng ngừa sai lỗi.

Thống kê cũng cho phép đưa ra các kết luận có giá trị. Khi phân tích yếu tố trong quá trình để xác định vấn đề, chúng ta có thể sử dụng một hoặc nhiều công cụ thống kê. Các công cụ thống kê có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp để xác định chính xác những điểm bất thường, thiếu kiểm soát và giảm thiểu tác động của chúng.

Bảy công cụ kiểm soát chất lượng được áp dụng phổ biến vì giúp cho việc quản lý, kiểm soát quá trình sản xuất để làm ra những mặt hàng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với giá cả phù hợp. Bên cạnh việc sử dụng bảy công cụ này để kiểm soát quá trình và phát hiện những bất thường, đây còn là công cụ nền tảng cần thiết để triển khai áp dụng các hệ thống, mô hình cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến như 6 Sigma, Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), Hệ thống tinh gọn Lean…

Thực tế chỉ ra rằng, nếu chúng ta giải quyết vấn đề mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, trực giác có thể mất nhiều thời gian và công sức mà vẫn không xác định đúng nguyên nhân của vấn đề, do đó đưa ra các hành động xử lý kém hiệu quả. Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc trong quản lý chất lượng là đánh giá hay ra quyết định bất kỳ vấn đề gì đều phải dựa trên sự kiện.

Dữ liệu giúp chúng ta hiểu diễn biến của sự việc và hướng dẫn chúng ta hành động đúng đắn. Muốn vậy cần phải thu thập, thống kê, phân tích để biến các dữ liệu riêng lẻ thành những thông tin, sự kiện thể hiện bản chất của vấn đề, từ đó có cách giải quyết nó.

Sử dụng kỹ thuật thống kê được xem là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao kết quả hoạt động.

Áp dụng Bảy công cụ kiểm soát chất lượng mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, như: Nâng cao uy tín: thể hiện rõ cho khách hàng sự quan tâm và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Chất lượng tốt hơn: doanh nghiệp có áp dụng công cụ kiểm soát chất lượng chủ động kiểm soát quá trình để không tạo ra hoặc giảm thiểu các rủi ro gây ra sản phẩm khuyết tật; Giảm chi phí liên quan đến chất lượng: giảm thiểu các chi phí liên quan đến sản phẩm lỗi, kể cả sản phẩm đang trong quá trình nội bộ hoặc sau khi đã chuyển giao cho khách hàng;

Các mục tiêu chất lượng trở nên rõ ràng hơn: mỗi nhân viên, công nhân sẽ hiểu và kiểm soát quá trình theo cách thức nhất quán; Giảm căng thẳng và nâng cao kỹ năng làm việc: người chủ trì quá trình tạo sản phẩm sẽ nhận thức, hiểu rõ và chủ động hơn trong việc kiểm soát quá trình để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng ngay từ đầu; 

Giảm chi phí: thông qua kiểm soát tốt, năng lực của quá trình sẽ được cải thiện, vì vậy giảm yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, thử nghiệm cuối cùng;  Giảm thiểu các sự cố, hỏng hóc máy móc: phát hiện sớm khiếm khuyết, hỏng hóc máy móc, thiết bị, do vậy hoạt động bảo trì, sữa chữa được tiến hành thuận lợi hơn.

Việc áp dụng 7 công cụ kiểm soát chất lượng dựa trên các nguyên tắc sau: Xác định đúng mục đích thống kê; Xác định vấn đề cần giải quyết; Liệt kê đầy đủ các nguyên nhân có thể; Chọn lựa công cụ phù hợp và khả thi; Thu thập đầy đủ, chính xác, khách quan dữ liệu; Tiến hành thực hiện thống kê, phân tích, đánh giá một cách chính xác; Báo cáo kết quả theo chu kỳ phù hợp.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích