69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ

Trải qua bao thăng trầm, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng vai trò là Thủ đô – trung tâm về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ
Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây mang vẻ đẹp riêng “hồ trong phố” – đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, được ôm trọn trong không gian kiến trúc của thành phố. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

69 năm trước, ngày 10/10/1954, Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Đây không chỉ là thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc của người dân Thủ đô mà còn là một ngày hội lớn của nhân dân cả nước, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng vai trò là Thủ đô – trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Thủ đô anh hùng

Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn, trong đó, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ.

Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội.

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường.

Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.”

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, buộc đế quôc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Thủ đô Hà Nội. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô.

15 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận,” đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Kinh tế tăng trưởng khá

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Cụ thể, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm; giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) đạt 6,67%/năm, gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, gấp 1,45 lần mức trung bình cả nước.

69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ
Sản phẩm xúc xích được sản xuất tại nhà máy của Công ty C.P Việt Nam ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8% dân số cả nước nhưng Hà Nội đã đóng góp 12,6% về GRDP, 17,1% về thu ngân sách nhà nước và 4,6% kim ngạch xuất khẩu.

Từ khi Việt Nam mở cửa, Hà Nội luôn đứng hàng đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, thành phố đã thu hút mới hơn 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33 tỷ USD.

Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì hằng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Trong các ngành kinh tế, du lịch là một trong những lĩnh vực được thành phố chú trọng phát triển nhất và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần; khách nội địa đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.

69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ
Khách du lịch quốc tế lưu lại những hình ảnh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bên cạnh du lịch, ngành công nghiệp cũng được cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm.

Ngành xây dựng cũng tăng bình quân 4,14%/năm; nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô.

Hoạt động thương mại trên địa bàn luôn duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%. Hạ tầng thương mại được quan tâm phát triển với 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm…

Quan tâm phát triển văn hóa-xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước

Trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa-xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước.

Cho đến hôm nay, Hà Nội vẫn là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có và hấp dẫn nhất đất nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú cùng lớp lớp nhân tài là văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa.

Thành phố đã xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử…

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô.

Vai trò và giá trị của văn hóa được thấm nhuần, đã và đang thể hiện rõ nét qua tinh thần, diện mạo của Hà Nội hôm nay. Những việc làm, hành động vì tình yêu Hà Nội góp phần đẩy lùi những hành vi phản văn hóa, mang lại một môi trường văn hóa an toàn và hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng và du khách.

Một nền hành chính phục vụ, hành chính “nụ cười” đang tạo dấu ấn đậm nét nơi công sở, đưa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội vào nhóm dẫn đầu cả nước.

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện. Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước.

Lĩnh vực y tế cũng có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Cùng với đó, Hà Nội tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới.

Cùng với đó, các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Thủ đô năm 2022 giảm còn 0,095%. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số.

Thành phố hỗ trợ hơn 515.000 người bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng. Các nhu cầu thiết yếu về điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện.

Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); tất cả 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại; các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy.

Thành phố thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát. Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến bộ rõ rệt; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đạt trên 85%. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt trên 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,8 tuổi.

Ưu tiên hiện đại hóa kết cấu hạ tầng

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội còn chú trọng ưu tiên phát triển, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, văn minh, hiện đại hơn, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của cả nước.

69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ
Cầu Nhật Tân. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Việc tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư các dự án trọng điểm giao thông đã góp phần tăng nhanh diện tích đất đô thị dành cho giao thông từ 8,56% (năm 2015) lên 10,3% (năm 2022).

Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, như: cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; Đường Vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy; đường Vành đai 3…

Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, giao thương thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian qua, các dự án phát triển nguồn nước tại Hà Nội đã tăng lên đáng kể, nhờ đó, bảo đảm đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho đô thị và nông thôn.

Đến hết năm 2022, mạng lưới cấp nước tập trung của thành phố đã bao phủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% nhân dân khu vực đô thị và khoảng 85% người dân nông thôn. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân khu vực nông thôn lên 100%.

Với mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo và có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Đối với phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu trồng mới một triệu cây xanh và đã hoàn thành vào năm 2018, về đích sớm hai năm; và tiếp tục trồng thêm hàng trăm nghìn cây xanh trong những năm tiếp.

Về hệ thống chiếu sáng đô thị, hiện lưới điện chiếu sáng của thành phố có tổng chiều dài trên 5.500km (khu vực nội thành là trên 4.000km) với trên 229.000 bộ đèn chiếu sáng, qua đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch, đồng thời làm đẹp cảnh quan.

Tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô ngày một giàu mạnh

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lòng quả cảm chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người,” “Thành phố vì hòa bình” và nay là “Thành phố sáng tạo.” Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Để phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô ngày một giàu mạnh, tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong 25 năm tới. Đó là:

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của Thủ đô; tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số.

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tới, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là Thủ đô, trái tim của cả nước./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích