60 năm ‘dáng hình’ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Xuân đã về trên khuôn mặt rạng rỡ của mỗi người, mọi nẻo đường ta đi và trong không khí cũng cảm nhận được mùi vị của mùa xuân về. Với mỗi người làm TCĐLCL, xuân năm nay lại đậm vị hơn bởi 2022 là dấu mốc cho hành trình 60 năm phát triển ngành TCĐLCL (1962 – 2022), bước sang năm 2023 sẽ mở ra một trang mới với những thời cơ, vận hội mới.
Nói về những dấu mốc lớn của ngành TCĐLCL phải kể đến là ngày 20/01/1950, vào thời kỳ kháng chiến cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL về đo lường, chính thức quy định việc áp dụng hệ Mét ở Việt Nam. Sắc lệnh là tiền đề cho việc phát triển hoạt động đo lường nói riêng, hoạt động TCĐLCL nói chung của nước Việt Nam độc lập. Tiếp đó, ngày 04/04/1962, Viện Đo lường và Tiêu chuẩn trực thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) được thành lập theo Nghị định số 43/CP của Hội đồng Chính phủ. Đây là cơ quan Nhà nước chính thức đầu tiên phụ trách công tác đo lường và tiêu chuẩn ở nước ta và là tiền thân của Tổng cục TCĐLCL ngày nay.
Trải qua nhiều thay đổi, ngày 08/02/1984, Tổng cục TCĐLCL trực thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước được thành lập theo Nghị định 22/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở Cục TCĐLCL Nhà nước. Tổng cục là cơ quan đầu mối của Nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng và quản lý đo lường.
60 năm xây dựng và phát triển, hoạt động TCĐLCL đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó Tổng cục đã đóng góp tích cực vào công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động TCĐLCL.
Tiêu biểu nhất chính là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL đồng bộ trên cơ sở 3 trụ cột chính gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (2006); Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (2007) và Luật Đo lường (2011). Các văn bản này đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện, cho thấy tính chất quan trọng và tầm ảnh hưởng tới đời sống kinh tế – xã hội đất nước.
Đi sâu vào từng lĩnh vực, công tác tiêu chuẩn hóa thời gian qua đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với trên 13.000 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), trong đó hơn 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và hơn 800 Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN) được xây dựng, ban hành đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội đất nước.
Hoạt động đo lường ngày càng phát triển theo chiều sâu, với hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Hệ thống chuẩn Đo lường Quốc gia tính đến nay đã có 32 chuẩn đo lường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 31 phép đo của Việt Nam được Tổ chức Đo lường Quốc tế công nhận trong 6 lĩnh vực đo lường: độ dài, khối lượng, dung tích lưu lượng, áp suất, thời gian tần số, nhiệt độ. Điều này thể hiện năng lực khoa học của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam chinh phục các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao trên thế giới.
Công tác quản lý chất lượng cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý Nhà nước. Xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, việc đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa phù hợp TCVN, QCVN và thử nghiệm, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế cũng góp phần nâng cao năng lực về xây dựng tiêu chuẩn, chứng nhận, thử nghiệm, đo lường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực đáp ứng các nghĩa vụ về hàng rào kỹ thuật (TBT) cũng như giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng; Hoạt động thanh, kiểm tra về TCĐLCL được tiến hành có trọng điểm, xử lý các vi phạm về TCĐLCL, giúp doanh nghiệp thấy được những tồn tại trong quản lý sản xuất để khắc phục…
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, suốt quãng thời gian 60 năm phát triển ngành TCĐLCL, một trong những thành công lớn nhất cũng là nguồn động viên đối với những người trong ngành đó là sự nhận thức của người dân về lĩnh vực TCĐLCL được nâng cao. Đất nước đang trên đà đi lên và hội nhập quốc tế, cả trong quá khứ cũng như tương lai đều mang theo “dáng hình” của những con người làm TCĐLCL.
Ngọc Xen