6 thành phố với nỗ lực xanh hóa đô thị
Làm thế nào để biến thành phố thành một không gian đầy màu xanh? Rất đơn giản: Hãy trồng cây!
Có rất nhiều ý tưởng sáng tạo đưa thiên nhiên vào các khu vực đô thị ở khắp nơi trên thế giới, từ những tổ ong trên mái nhà đến những con kênh giúp không khí trong thành phố bớt ngột ngạt hơn.
Dưới đây là 6 thành phố đã đưa cây xanh vào cảnh quan nhằm mang lại lợi ích cho người dân và môi trường.
Tạo bức tường cây xanh và nuôi ong ở Liverpool (Anh)
Tạo một bức tường cây xanh là cách thành phố Liverpool, Anh mang thiên nhiên đến trung tâm thành phố bận rộn. Được quây lại để làm không gian trồng cây, thành phố đã biến bề ngoài bê tông trơ trụi của Trung tâm mua sắm St John’s thành một môi trường phủ đầy cây xanh. Được xây dựng vào năm 2020, bức tường xanh của Liverpool được trồng với 14.000 cây xanh, giúp ngăn chặn ô nhiễm phát thải từ trạm xe buýt gần đó.
Cấu trúc bê tông bên ngoài của Trung tâm mua sắm St John’s đã biến thành một môi trường sống đầy cây xanh (Ảnh: Mersey Forest). |
Năm 2021, giai đoạn tiếp theo của sáng kiến đã được thực hiện với việc lắp đặt hai tổ ong trên sân thượng. Mỗi ngôi nhà có 20.000 con ong và có nhân viên được đào tạo để quản lý những thùng ong này. Một năm sau, quần thể ong cư trú trong trung tâm thành phố phát triển mạnh nâng sản lượng mật lên đến 180 hũ. Ngoài thụ phấn cho bức tường, những con ong này còn hoạt động cách tổ trong bán kính 5 km, giúp ích cho hệ sinh thái cộng đồng.
Trồng cây xanh và khuyến khích tái chế ở Curitiba (Brazil)
Ở Curitiba, tây bắc Brazil, trồng cây là giai đoạn mới nhất để xanh hóa thành phố. Curitiba đã có nhiều hoạt động nhằm xây dựng một thành phố bền vững từ những năm 1970 và trước thách thức dân số bùng nổ, các nhà quy hoạch thành phố coi phúc lợi của người dân là mối quan tâm hàng đầu. Kể từ đó, việc kết hợp các khu giải trí tự nhiên và khuyến khích tái chế đã trở thành một phần quan trọng trong quy hoạch thành phố.
Curitiba trồng cây để xanh hóa thành phố (Ảnh: Getty). |
Cây xanh được trồng khắp nơi trong thành phố, hai bên đường, trong công viên, quảng trường và các khu vực công cộng khác.
Với hơn 1.000 “ốc đảo xanh”, Curitiba thường nằm trong top những thành phố xanh nhất của Brazil. Các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người dân sống hài lòng với không gian sống tại thành phố nơi người dân được ưu tiên hơn ô tô.
Tăng diện tích cây xanh tại Singapore
Singapore được mệnh danh là “thành phố cây xanh”. Vào tháng 2/2021, đảo quốc này đã công bố “Kế hoạch xanh 2030” – một chương trình đầy tham vọng nhằm làm cho thành phố trở nên bền vững và hòa nhập với thiên nhiên. Singapore hiện có hơn 400 công viên và 4 khu bảo tồn thiên nhiên, và đến năm 2026, nước này dự kiến sẽ có 300 ha được phủ xanh, trong đó có 200 ha được trồng ở các tòa nhà chọc trời.
Singapore công bố “Kế hoạch Xanh 2030” với tham vọng làm trở thành một thành phố bền vững và hòa nhập với thiên nhiên (Ảnh: Getty). |
Đến năm 2030, thành phố cũng đã cam kết trồng một triệu cây xanh trên toàn lãnh thổ và tăng thêm 50% diện tích đất công viên so với năm 2020.
Một trong những công viên mở cửa đầu tiên là Jurong Lake Garden, với một khu vui chơi dưới nước rộng 3 ha. Tại đây, trẻ được học cách làm sạch nước và tái chế tự nhiên thông qua hệ sinh vật của các loài thực vật thủy sinh.
Hành lang sinh thái suối ở oIzmr (Thổ Nhĩ Kỳ)
Thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm với hành lang sinh thái suối Mavisehir Peynircioglu, một dải xanh hấp thụ carbon rộng 26.500 m². Khu vực được mở cửa vào tháng 10/2020 với 1.150 cây xanh và 250.000 cây bụi – tất cả các loài cây đều phù hợp với khí hậu Địa Trung Hải. Theo ước tính ước tính, dự án sẽ giúp tăng 45% hoạt động của các loài thụ phấn.
Thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng giảm thiểu ô nhiễm với Hành lang sinh thái suối Mavisehir Peynircioglu (Ảnh: Getty). |
Ngoài ra, thành phố còn thực hiện một loạt dự án nhỏ hơn nhằm hấp thụ carbon và khuyến khích người dân hòa mình với thiên nhiên. Nhiều công viên được xây dựng xung quanh thành phố như những ốc đảo xanh giúp giảm hiệu ứng “đảo nhiệt” do các tòa nhà gây ra. Với ít không gian và ngân sách hơn so với một dự án quy mô lớn, các công viên quy mô nhỏ của Izmir là hình mẫu cho các thành phố khác đang tìm kiếm những cách thiết thực để mang thiên nhiên vào các khu vực đô thị.
Mang công viên vào thành phố ở Seoul (Hàn Quốc)
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã trồng một khu rừng để giúp hạ nhiệt độ thành phố từ 3-7 ⁰C. Với dân số khoảng 25,6 triệu người, đây là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới.
Vào năm 2018, Đông Bắc Á đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ tăng vọt lên gần 40⁰C và 2 năm sau, với nỗ lực phòng chống lại các hiện tượng cực đoan tương tự, quan chức thành phố Seoul đã công bố kế hoạch xây dựng một công viên mới có tên là Forest of Winds.
Công viên Forest of Winds với mục đích làm mát thành phố Seoul (Ảnh: Seoul Metropolitan Government and Seoul Tourism Organization). |
Công viên được thiết kế nhằm mục đích làm mát thành phố đồng thời hấp thụ các hạt ô nhiễm và bụi mịn với các loài như cây thông, cây phong, anh đào và sồi.
Công viên High Line ở New York
High Line là một công viên công cộng được xây dựng trên tuyến đường sắt chở hàng trước kia, nằm trên các đường phố ở phía Tây Manhattan. Để tránh bị phá dỡ, High Line mở cửa vào năm 2009 dưới dạng một không gian công cộng.
High Line hiện là một con đường xanh của thành phố với hơn 150.000 cây hoa, cây bụi và cây xanh.
Công viên High Line ở phía Tây của Manhattan (Ảnh: Getty). |
Một điểm ấn tượng được cho là thành công lớn của dự án là sự tham gia của người dân. Mặc dù được quản lý bởi Bộ Công viên & Giải trí NYC, High Line lại được duy trì và vận hành bởi các tình nguyện viên nhiệt tình. Mô hình này đang được nhiều thành phố học tập nhằm đưa không gian xanh vào cảnh quan đô thị.
Những dự án này từ khắp nơi trên thế giới cho thấy có nhiều cách đưa thiên nhiên vào cảnh quan thành phố. Một số dự án có quy mô lớn, trong khi một số có quy mô nhỏ hơn với tác động cục bộ. Tuy vậy, tất cả đều là những cách thức sáng tạo và đầy cảm hứng, giúp mang lại màu xanh cho các đô thị nói riêng và cả hành tinh nói chung.
Nguồn: Báo xây dựng