6 lọ thuốc hiếm cứu 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum đã về đến TP HCM
6 lọ thuốc hiếm cứu 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum đã về đến TP HCM
6 lọ thuốc hiếm Tổ chức Y tế thế giới viện trợ khẩn cấp đã về đến TP HCM để cứu các bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết 6 lọ thuốc BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp đã về đến TP HCM để cứu 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Số thuốc này được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP HCM tối 24-5.
Đây là thành quả nhờ sự nỗ lực của Cục Quản lý Dược, các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự hỗ trợ rất kịp thời của WHO.
Trước đó, chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và đề nghị WHO hết sức hỗ trợ thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam.
Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP HCM.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh thuốc BAT trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó giá của thuốc này cũng rất cao.
Năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng patê chay có chứa độc tố, WHO đã hỗ trợ 10 lọ thuốc BAT (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân ngộ độc botulinum.
3 bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy bao gồm có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi ngộ độc vì ăn bánh mì chả lụa, người còn lại là nam 45 tuổi, ăn mắm để lâu ngày. Đây là các ca ngộ độc Botulinum xuất hiện ngay sau khi 3 trẻ nhỏ nhập viện vì ăn chả lụa bán dạo.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 – 1,5, tức bị liệt hoàn toàn. Trong khi trước đó chỉ có 2 bệnh nhân phải thở máy và sức cơ của bệnh nhân còn lại ở mức 3/5 – 4/5.
Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị liệt là do độc chất Botulinum. Trong trường hợp có thuốc giải độc BAT, khi bệnh nhân rơi vào yếu liệt thì đây là thời điểm hiệu quả để thuốc phát huy tác dụng. Thuốc sẽ có tác dụng kháng độc tố, trung hòa chất độc, khiến bệnh ngưng tiến triển.
Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Bác sĩ Lê Quốc Hùng lý giải: “Các chất độc Botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh cơ, từ đấy làm cho việc dẫn truyền của thần kim cơ không còn nữa, làm cho các cơ không được điều khiển được, dẫn tới tình trạng liệt. Nếu chỉ liệt tay, liệt chân thì chưa có nguy hại ngay đến tính mạng, nhưng nếu liệt cơ hô hấp sẽ dẫn tới tình trạng suy hô hấp cấp, dẫn đến tử vong nếu chúng ta không có những điều trị hỗ trợ”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị