6 định hướng chiến lược bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

6 định hướng chiến lược bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

Trong bối cảnh công tác bảo tồn di sản kiến trúc tại Việt Nam còn nhiều bất cập, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã đề xuất 6 định hướng chiến lược bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc.

Trên Tạp chí Kiến trúc, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn vừa có bài chia sẻ “Ðịnh hướng Chiến lược Quốc gia về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc”. Trong đó, ông đã phân tích những ngộ nhận còn tồn tại trong công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đề xuất 6 định hướng chiến lược quốc gia về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc để chính quyền Trung ương tạo điều kiện, giúp các tỉnh thành giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa lịch sử đô thị một cách hiệu quả và bền vững hơn.

tm-img-alt
Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Sưu tầm

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Đất nước Việt Nam có vài nghìn năm văn hiến. Nhiều đô thị Việt Nam có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có Huế và Hội An là đã khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, kèm theo các hướng dẫn, quy hoạch, và chính sách bảo tồn di sản hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã đề xuất 6 định hướng chiến lược bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam.

Thứ nhất, về mặt pháp lý, tiếp tục kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết cho nhu cầu bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và mở rộng công trình di sản trên cả nước, bao gồm đủ bốn thể loại công trình di sản: (1) Công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng; (2) Công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản; (3) Công trình di sản có thể được phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương; (4) Công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu, hoặc có thể bổ sung thêm một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này;

Thứ hai, về mặt trách nhiệm bảo vệ di sản, cần quy định lãnh đạo của mỗi tỉnh thành phải chịu trách nhiệm lập ra danh sách đầy đủ các công trình di sản cần được bảo vệ gồm bốn thể loại công trình di sản nói trên, cập nhật thường xuyên tình trạng hiện hữu, và đề ra phương thức bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và phát triển tương ứng với từng loại, có sự phối hợp đồng hành với các cá nhân hoặc đơn vị chủ quản của công trình di sản thông qua các chính sách hướng dẫn và khuyến khích hợp tình hợp lý;

Thứ ba, về mặt định hướng cho việc bảo vệ di sản, đối với các đô thị có lịch sử lâu đời trên 100 năm, cần yêu cầu mỗi tỉnh thành phải xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử và các di sản nằm trong đó, làm rõ việc đáp ứng nhu cầu ưu tiên bảo tồn khu trung tâm lịch sử kèm theo việc quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang, và đưa ra các hướng dẫn cần thiết và chính sách khuyến khích bảo tồn di sản, tách biệt với việc đáp ứng nhu cầu phát triển các khu trung tâm đô thị mới;

Thứ tư, về mặt thực hiện, trong mỗi tỉnh thành cần đề ra quy trình và trách nhiệm hợp tác đa ngành trong việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc, như Sở Văn hóa Thông tin (quản lý tình trạng các công trình di sản), Sở Quy hoạch Kiến trúc & Sở Xây dựng (quản lý việc cấp phép các công trình xây dựng trong khu vực cần bảo tồn), Sở Giao thông Vận tải (quản lý hạ tầng kỹ thuật phù hợp), Sở Kế hoạch và đầu tư (cấp phép cho doanh nghiệp có loại hình phù hợp), … dưới sự phối hợp chung của UBND của tỉnh thành đó;

Thứ năm, về mặt quản lý bảo vệ di sản, lãnh đạo các tỉnh thành cần chịu trách nhiệm cung cấp các công cụ quy hoạch hiệu quả (khống chế mật độ tối đa, chiều cao tối đa, …) và các công cụ pháp lý (danh sách công trình di sản, hướng dẫn phương pháp bảo tồn, chính sách khuyến khích,…) để thuận thiện cho việc quản lý bảo vệ các công trình di sản, không gian kiến trúc cảnh quan bao quanh, và không gian chuyển tiếp lân cận, một cách khoa học và hiệu quả;

Thứ sáu, về mặt hiệu quả kinh tế xã hội, cần có những chính sách ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư, giúp cho người dân và doanh nghiệp địa phương phát triển gắn với không gian quy hoạch kiến trúc di sản, tạo nên bản sắc độc đáo và giá trị bền vững thu hút khách du lịch, giúp cải thiện nâng cao đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng.

Link bài gốc: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/dinh-huong-chien-luoc-quoc-gia-ve-bao-ton-di-san-quy-hoach-kien-truc.html

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích