5G thúc đẩy chuyển đổi số cho hôm nay hay cho ngày mai?

5G thúc đẩy chuyển đổi số cho hôm nay hay cho ngày mai?
Ảnh minh họa – Internet

Mở rộng mạng 5G

Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta có bước nhảy vọt số để có thể tiếp tục kết nối trong điều kiện giãn cách xã hội. Một trong những mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ là người dân được kết nối với những dịch vụ cơ bản như: làm việc, y tế… Quyền Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ FCC, bà Jessica Rosenworcel, cho biết Mỹ đang theo đuổi chính sách “băng rộng 100%” với 3 trụ cột: Thứ nhất, sẽ thành lập lực lượng chuyên trách dữ liệu băng rộng để xác định các dịch vụ này và gắn trên bản đồ, nơi nào có rồi, nơi nào chưa có, từ đó “điều chỉnh nguồn lực về đúng nơi cần”. Thứ hai, tập trung vào phổ tần ở các băng trung tần cho 5G. Thứ ba, FCC đã lập Quỹ 5G trị giá 9 tỷ USD mở rộng vùng phủ của công nghệ này đến vùng nông thôn. Đây là ba điều kiện cần để đảm bảo những công nghệ mới như 5G và băng rộng đến được với mọi người dân ở mọi vùng miền.

Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Châu Phi ATU chia sẻ, châu lục này mong muốn sử dụng khả năng của công nghệ 5G để chống dịch Covid-19. ATU hiện đã dự thảo các khuyến nghị về việc sử dụng công nghệ 5G để lấy ý kiến của các nước thành viên. Trong đó có định nghĩa về lộ trình 5G, kế hoạch hài hòa phổ tần 5G, các biện pháp tài chính nhằm giảm thuế cho thiết bị 5G. Ngoài ra, còn có các kế hoạch xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích, thúc đẩy triển khai hạ tầng 5G, trong đó có cung cấp giấy phép phổ tần 5G chia sẻ và giấy phép địa phương, giải quyết nhu cầu băng tần 5G của các ngành công nghiệp khác nhau. 

5G cho các ngành công nghiệp khác

Ông Sanjay Kaul, Chủ tịch phụ trách khu vực châu ÁThái Bình Dương và Nhật Bản của Cisco Systems nhận định, là một thành phần của Internet 2.0 – Internet của tương lai, khung kiến trúc 5G cần phải đưa chi phí về mức mà mọi người đều có thể truy cập Internet và dịch vụ này giống như một loại hàng hóa thông thường. Khung kiến trúc bao gồm: tính hiệu quả của cáp quang, mạng hội tụ, kiến trúc đám mây và an toàn thông tin được đưa vào mọi khâu trong toàn bộ quá trình”.

Giá trị cốt lõi của 5G nằm ở các ứng dụng, đây là quan điểm của ông Andreas Mueller, trưởng phụ trách Công nghệ cho IoT của hãng  Bosch. 5G là một nền tảng đổi mới sáng tạo đang phát triển liên tục và có tính linh hoạt cao, có khả năng trở thành nền tảng chuyển đổi số cho nhiều ngành công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp hiện đang chậm chân trên chuyến tàu 5G và đang muốn dùng đòn bẩy để bắt kịp. Tuy nhiên, hệ sinh thái 5G lại đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, cần phải có các thiết bị và giải pháp được tối ưu hóa cho từng ngành công nghiệp khác nhau. Và các ngành đều đang tìm cách ứng dụng 5G vào những lĩnh vực có thể thu hồi vốn đầu tư và có lãi. 

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia châu Á đi đầu trong triển khai mạng 5G trên toàn thế giới.  Tại Hàn Quốc, các nhà mạng di động đã triển khai mạng 5G từ năm 2018, chủ yếu dành cho dịch vụ video, VR (thực tế ảo ) và XR. Ông Jemin Chung, Phụ trách Tổ chuyên trách 5G của Tập đoàn KT cho biết mặc dù trong giai đoạn sử dụng ban đầu, 5G không khác biệt nhiều so với 4G nhưng những nghiên cứu sâu hơn cho thấy các thuê bao 5G tiêu thụ dữ liệu nhiều gấp 3 lần thuê bao 4G, sử dụng Wifi dành cho 5G tại nhà. Một lĩnh vực nhiều tiềm năng sử dụng 5G là các mạng dùng riêng. 5G sẽ tăng hiệu suất của các doanh nghiệp sở hữu nhà máy thông minh sử dụng network slicing, tăng cường tiến trình tự động hóa, thậm chí cung cấp dịch vụ y tế và các ứng dụng khác cho các vùng sâu vùng xa.

Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á triển khai rộng rãi 5G trong nhiều ngành, từ nông nghiệp, sản xuất, đến các nhà máy và không chỉ ở phạm vi các đô thị. Nhật Bản phân bổ tần số thông qua thi tuyển, thay vì đấu giá nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Nhật Bản đã phát triển một chỉ số mới có khả năng đo đạc tốc độ triển khai cơ sở hạ tầng thay vì độ phủ dân số nhằm khuyến khích việc mở rộng vùng phủ sóng. 

Thách thức và lo ngại khi triển khai 5G

Hệ sinh thái 5G bên cạnh những cơ hội cũng đem lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, từ việc bảo đảm an toàn an ninh mạng, triển khai cho đến những lo ngại về phơi nhiễm sóng điện từ, thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. 

Để giải quyết các lo ngại về sức khỏe và an toàn, ICNIRP (Ủy ban Quốc tế về bảo vệ Bức xạ không ion hóa) đã cung cấp một bộ hướng dẫn cho các cơ quan quản lý và các nhà sản xuất tuân theo. Bộ hướng dẫn được thiết kế để bảo vệ chống phơi nhiễm điện từ và nếu được tuân thủ, sẽ đảm bảo rằng 5G không gây hại.

Mỹ đặc biệt lo ngại về vấn đề an ninh mạng khi triển khai 5G với kết nối tăng theo cấp số nhân và IoT ngày càng mở rộng. Do đó, việc bảo đảm an ninh mạng cũng phải phát triển song hành. FCC đang có những hành động rất cụ thể như không chấp nhận thiết bị không đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy triển khai OpenRAN (Mạng truy cập không dây mở) nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa mạng lưới trong tương lai.

Tài chính để triển khai mạng 5G, đảm bảo mức giá hợp lý cho thiết bị và dịch vụ 5G, có thể chi trả được là một trong những thách thức lớn. Sự chênh lệch về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải xem xét nhằm đảm bảo mạng 5G phủ sóng cả khu vực đông dân và khu vực nông thôn. 

5G: Nhảy vọt hay đi từ từ?

Mặc dù hầu như không có nước nào tiến thẳng đến công nghệ 5G, bỏ qua 2G, 3G nhưng vẫn có một ngoại lệ. Đó là nhà mạng Jio (Ấn Độ). Tuy nhiên, theo ông Ayeong Im, Giám đốc Bán hàng và marketing khu vực Đông Nam á Tập đoàn Samsung Electronics, một số nhà mạng hay quốc gia đang lựa chọn phương án tắt 2G, 3G, điều chỉnh lại phổ tần để dành băng tần cho 5G. Lúc này, mối lo ngại của các nhà mạng di động lại là khung kiến trúc mạng lưới. Những nhà mạng đã đầu tư lớn cho mạng lưới và phổ tần 4G có thể cung cấp truy cập không độc lập NSA (non standalone access) trên nền mạng hiện có bằng cách kết nối radio 5G vào mạng lõi 4G. Các nhà mạng cũng có thể xây dựng mạng 5G từ đầu, sử dụng mạng truy cập độc lập để kết nối radio 5G với mạng lõi 5G. 

5G kết hợp với các công nghệ khác sẽ cất cánh

5G kết hợp với các công nghệ khác như AI, Wifi6, FWA (truy cập không dây cố định) hay OpenRAN sẽ là một giải pháp hợp lý tối ưu hóa các tiềm năng to lớn của 5G. Chẳng hạn, khi công nghệ AI phát triển, AI sẽ giúp quản lý mạng 5G hiệu quả hơn, thông minh hơn.

Trên thế giới, hiện vẫn có 2 tỷ người  không thể chi trả hay được hưởng lợi ích của dịch vụ băng rộng. 5G kết hợp với AI, ảo hóa, Wifi6 sẽ hình thành các dịch vụ Internet với mức chi phí hợp lý”.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích