508 cuộc tấn công mạng xảy ra trong dịp Tết Quý Mão
Hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; 16% còn lại là lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay…
Trong khi đó, người dân Việt Nam dùng internet nhiều, trung bình khoảng 7 tiếng/ngày nhưng nhận thức về an toàn thông tin của người dân còn hạn chế, nhiều người ham trúng thưởng, khuyến mại. Vì vậy, rất nhiều người mắc phải bẫy lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài từ 20 – 26/1 là cơ hội cho các nhóm tội phạm mạng gia tăng tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc.
Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông và các tổ chức tài chính, ngân hàng tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian nghỉ Tết.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể, Cục An toàn thông tin đã tổ chức 3 nhóm trực 24/7 suốt kỳ nghỉ Tết gồm: nhóm giám sát, hỗ trợ ứng cứu xử lý tấn công mạng; nhóm giám sát thông tin trên không gian mạng và nhóm hỗ trợ xử lý tin nhắn rác.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới để xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, thông tin giả. Với hệ thống hỗ trợ xử lý tin nhắn rác, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023, hệ thống này đã tiếp nhận 394 phản ánh về tin nhắn rác, tăng 11% so với năm trước.
Cục An toàn thông tin đã hỗ trợ ứng cứu 41 sự cố an toàn thông tin mạng trong dịp Tết. Các sự cố được đánh giá mức trung bình và thấp, không gây hậu quả nghiêm trọng do các đơn vị đã sớm triển khai giải pháp đảm bảo an toàn. Theo Cục An toàn thông tin, sở dĩ đợt nghỉ Tết vừa qua không xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng là bởi công tác đảm bảo an toàn thông tin đã sớm được chuẩn bị và triển khai quy củ.
Bảo Lâm