5 nhóm giải pháp cơ bản để Vinachem hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024

(Xây dựng) – Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

5 nhóm giải pháp cơ bản để Vinachem hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu đề ra; chú trọng chăm lo đảm bảo đủ việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần cho cán bộ công nhân viên, người lao động.

Năm 2023, Vinachem hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ với mức doanh thu cộng hợp ước đạt 55.286 tỷ đồng và đề ra mục tiêu doanh thu cộng hợp năm 2024 là 56.497 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, Đảng ủy Tập đoàn đã hoàn thành tiếp nhận và sắp xếp lại các tổ chức Đảng với 40 Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc và 4.401 đảng viên.

Về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện các quy chế, quy định đã ban hành về công tác cán bộ đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả; lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, đã góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ Tập đoàn.

5 nhóm giải pháp cơ bản để Vinachem hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024
Ông Nguyễn Phú Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường phát biểu tại Hội nghị.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Phú Cường đề nghị toàn Đảng bộ thực hiện các chỉ đạo của Đảng ủy Khối và tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2023, ông Phùng Quang Hiệp – Tổng giám đốc Vinachem cho biết, năm 2023, điều kiện tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm. Tốc độ tăng trưởng các nhóm ngành sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn có dấu hiệu chững lại và gặp khó khăn, ẩn chứa những yếu tố bất lợi. Rủi ro với doanh nghiệp vẫn gia tăng trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong nước cũng như nước ngoài giảm là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Vinachem nói riêng.

Ngoài ra, giá phân bón trên thị trường thế giới giảm sâu; tình trạng tăng nguồn cung nhập khẩu vào Việt Nam nhất là phân bón và sản phẩm hóa chất; giá một số mặt hàng xuất khẩu (cao su, chất tẩy rửa, phân bón) giảm mạnh do hạn chế chi tiêu của các nước cũng gây khó khăn cho các đơn vị thuộc Tập đoàn.

Trước tình hình đó, Tập đoàn đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt việc dự báo sát tình hình, xây dựng và triển khai các phương án xử lý nhanh nhạy, bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Công Thương và các Bộ/ngành trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những khó khăn, thách thức, nỗ lực cao độ nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh đặt ra.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế năm 2023 ước đạt 50.362 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp ước đạt 55.286 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1.922 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 675 triệu USD, bằng 76,62% kế hoạch năm 2023…

5 nhóm giải pháp cơ bản để Vinachem hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024
Tổng giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp báo cáo tại Hội nghị

Cùng với những nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn đã tập trung thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn như: Hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch sản xuấk, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; tích cực chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao để tái cơ cấu nợ vay 03 Dự án phân bón theo Kết luận của Bộ Chính trị; xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn.

Nhận định rõ thách thức và thời cơ năm 2024, Vinachem xác định mục tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp 53.261 tỷ đồng, bằng 106% ước thực hiện năm 2023; doanh thu cộng hợp 56.497 tỷ đồng, bằng 102% so với ước thực hiện năm 2023; lợi nhuận cộng hợp 2.430 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và nước ngoài. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước giữa Tập đoàn với các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban và giữa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn với nhau. Các đơn vị trong Tập đoàn phấn đấu đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua các vật tư cùng loại của đơn vị năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động Tập đoàn và chúc mừng những kết quả mà Tập đoàn đã đạt được trong năm 2023.

Năm 2024, trên cơ sở dự báo diễn tình hình còn có nhiều khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước ở mức 6 – 6,5% cao hơn so với mức 5,5% của năm 2023, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cơ bản đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Tập đoàn đã đề ra và nhấn mạnh 5 giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện:

Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư theo Chiến lược, Kế hoạch, phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững. Đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Tăng cường công tác dự báo thị trường, chủ động linh hoạt triển khai có hiệu quả các giải pháp về quản trị mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, bán hàng… đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát nội bộ.

Thứ hai, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện, báo cáo về Chiến lược phát triển, Kế hoạch 5 năm, Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn theo ý kiến của các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Lập kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt.

Thứ ba, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt là dự án nhóm B trong lĩnh vực săm lốp và hóa chất cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu, nắm bắt cơ hội thị trường đối với các dự án đầu tư mới, khả thi tạo động lực tăng trưởng cho Tập đoàn.

Thứ tư, chú trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường vào sản xuất, kinh doanh và quản lý; chuyển đổi mạnh sang kinh tế số phù hợp với điều kiện, yêu cầu; coi đây là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

5 nhóm giải pháp cơ bản để Vinachem hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024
Các đại biểu dự Hội nghị

Thứ năm, đối với các đơn vị thuộc Đề án 1468 đã được phê duyệt cơ cấu lại theo Kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Tập đoàn và các đơn vị đồng thời chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất. Chủ động gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm ở mức hợp lý; đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả của quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm góp phần tăng hiệu quả chung của doanh nghiệp. Xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC để sớm thực hiện quyết toán các Dự án.

Tích cực hoàn thiện phương án và triển khai thực hiện Phương án xử lý Dự án Khai thác và Chế biến Muối mỏ tại Lào ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhân dịp này, Hội nghị đã phát động phong trào thi đua năm 2023, đồng thời, vinh danh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích