5 loại cây cảnh phong thủy ‘hút’ tài lộc, đem lại may mắn dịp đầu năm mới

Vào dịp đầu xuân năm mới, nhiều gia đình thường có thói quen mua hoặc trồng các loại cây cảnh để trang trí nhà cửa, đặc biệt là những cây giúp thanh lọc không khí, với mong muốn làm mới không gian nhà ở của mình cũng như tạo ra luồng sinh khí dồi dào, tươi mới, hút tài lộc, đem may mắn vào nhà cho gia chủ. Bên cạnh đào, quất, mai là những loại cây đã trở thành biểu tượng của ngày Tết, dịp đầu xuân các gia đình có thể tham khảo 5 loại cây phong thủy dưới đây giúp cải thiện không gian sống cũng như đem lại nhiều điều tốt lành trong năm mới. 

Cây kim tiền 

Kim tiền được coi là loại cây có đầy đủ các yếu tố phong thủy. Trong phong thủy cây kim tiền là Mộc, trồng dưới đất là Thổ, nước tưới cho cây phát triển thuộc Thủy. “Kim” có nghĩa là phát tài, “Tiền” có nghĩa là giàu sang phú quý. Vì vậy, nhắc đến cây kim tiền là nói đến tài lộc, may mắn, tiền tài, phú quý, giàu sang, sung túc, thịnh vượng. Đặc biệt khi cây kim tiền ra hoa càng chứng tỏ vận may của gia chủ ngày càng phát, tiền tài, lợi lộc, may mắn cũng ngày càng nhiều. Do đó đây là loại cây được nhiều chuyên gia phong thủy gợi ý nên bày biện trong nhà vào dịp đầu năm.

 Cây kim tiền mang ý nghĩa tài lộc, giàu sang, phú quý.

Nếu muốn tăng thêm vượng khí cho cây và giúp chậu cây hội tụ đủ các yếu tố trong ngũ hành, có thể trang trí thêm trên cây kim tiền những chiếc nơ màu đỏ hoặc dây đồng tiền vàng tượng trưng cho Hỏa và Kim.

Không chỉ mang nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy, cây kim tiền còn giúp thanh lọc không khí, phủ xanh không gian sống. Ngoài ra cũng cần chú ý về hướng đặt cây. Theo phong thủy, dù trong nhà ở, phòng hội họp, văn phòng, nhà hàng hay khách sạn thì nên đặt cây ở hướng Đông hoặc Đông-Nam.

Bí quyết chăm sóc cây kim tiền không quá phức tạp. Nên chọn chậu có kích thước lớn để trồng bởi cây kim tiền khi phát triển có thân hình lớn và bộ rễ rất khỏe. Đất trồng cây phải có độ mùn xốp, thoát nước tốt.

Với loại cây này, không nên tưới nước quá nhiều sẽ khiến cây dễ bị ngập úng. Có thể dùng bình phun sương tưới cây 1 – 2 lần mỗi tuần để đất có đủ ẩm. Mỗi tháng có thể tưới đẫm 1 lần, sau đó mang chậu cây ra ngoài trời phơi nắng – vừa giúp cây quang hợp vừa chống ngập úng.  

Cây kim ngân 

Cây kim ngân cũng được coi là loại cây rất tốt về mặt phong thủy. Với quan niệm của người phương Đông, loài cây này mang đến cho gia chủ sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới.  

Cây kim ngân có thân chắc chắn, dẻo dai. Lá cây to, màu xanh bắt mắt và xòe rộng như một bàn tay. Không chỉ vậy, mỗi nhánh của cây kim ngân có 5 lá tượng trưng cho ngũ hành trong phong thủy, giúp cân bằng các nguồn năng lượng kim – mộc – thủy – hỏa – thổ khi trưng bày cây trong nhà.
 
Cây kim ngân thường được trồng theo số lượng lẻ 1, 3, 5. Trồng 1 cây tượng trưng cho “Trụ Thiên” (chọc trời) mang ý nghĩa kiên cường, bất khuất. Trong khi đó nếu trồng 3 thân vào nhau thì biểu tượng cho “Tam tài” hoặc “Phúc Lộc Thọ”. Còn lại trồng 5 thân xoắn sẽ tượng trưng cho ngũ phúc là “Phúc – Lộc – Thọ – An – Khang”.

Không chỉ tốt về mặt phong thủy, cây kim ngân còn có tác dụng như máy lọc không khí, giúp cải thiện môi trường sống. Vị trí đặt cây kim ngân tùy thuộc vào mục đích về phong thủy hay chỉ đơn giản là muốn cải thiện chất lượng của môi trường sống. Theo đó, nếu muốn công việc làm ăn thuận lợi, tiền vô như nước thì cây kim ngân thích hợp đặt trên bàn làm việc.

Ngược lại, nếu muốn cải thiện chất lượng sống có thể đặt cây vị trí phòng khách trong nhà, tại công ty hay những chỗ khu vực đông người có thể đặt ở hành lang, sảnh chờ, gần cửa ra vào giúp thanh lọc không khí ở nơi nhiều người qua lại, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, không khí ô nhiễm. 

Cây sung 

Nếu mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, các gia đình có thể mua một chậu sung cảnh để làm mới không gian sống của mình. Cây sung nằm trong bộ Tứ linh gồm cây đa, cây sung, cây sanh và cây si. Ngoài ra, cây sung còn được xếp đứng đầu trong bộ Tam đa, biểu tượng của phúc (cây sung), lộc (cây lộc vừng), thọ (cây vạn tuế).  

 Cây sung mang ý nghĩa sung túc.

Cây sung mang nhiều ý nghĩa tâm linh nên được rất nhiều gia đình Việt ưa chuộng trồng trong không gian nhà ở. Chữ “sung” trong “sung túc” mang ý nghĩa trọn vẹn, đầy đủ, đem nhiều tài lộc đến cho gia đình. Vì vậy trong những dịp lễ Tết, nhiều gia đình thường trồng cây, chậu sung hoặc bày quả sung trên mâm ngũ quả. Ngoài ra, để gia tăng thêm phong thủy, nhiều người thường trồng cây sung cùng các loại cây khác trong bộ Tứ linh hoặc Tam đa.

Trong quan niệm xưa và nay, nhà càng đẹp thì tiểu cảnh cũng phải đẹp. Việc trồng cây cảnh trang trí trước nhà không những mang lại sự trong lành, sinh động cho không gian sống mà còn phải hợp phong thủy, tâm linh, không phạm điều kiêng kỵ. Cây sung tuy mang rất nhiều ý nghĩa tâm linh nhưng cần chú ý không nên trồng ngay tại cổng hay cửa chính bởi cây sẽ ngăn cản luồng khí lưu thông vào nhà gây ảnh hưởng đến tiền tài và sự may mắn của gia đình. Nếu muốn trồng cây sung trước cửa nhà thì nên trồng lệch về phía bên trái hoặc bên phải cổng chính. 

Cây vạn niên thanh

Cây vạn niên thanh còn được coi là loài cây cát tường bởi loại cây này sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, mùa đông lá không héo úa. Cây vạn niên thanh có ra hoa. Hoa vạn niên thanh mọc đơn có màu trắng và thường xuất hiện khi thời tiết mát mẻ. Vạn niên thanh có thể dùng để trang trí nhà cửa, văn phòng, bàn làm việc,… tạo nên không gian tươi mới, một môi trường sống xanh.

Vạn niên thanh còn được biết đến như một cỗ máy lọc không khí an toàn và đem lại hiệu quả cao. Cây giúp lọc không khí và khử độc, thậm chí còn có khả năng hấp thụ khí độc trong môi trường, bức xạ từ các thiết bị điện tử như máy tính điện thoại,… Không chỉ vậy, loài cây này còn được biết tới như một cây thuốc, được sử dụng trong các bài thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu và chữa bệnh bạch cầu.

Vạn niên thanh được coi là một trong những cây cảnh mang lại ý nghĩa phong thủy tốt nhất. Theo quan niệm phương Đông, “vạn niên thanh” có nghĩa là “100 năm” – tượng trưng cho sự cát tường, trường tồn, bền vững với thời gian. Vì vậy đây là loại cây được nhiều người yêu thích gửi tặng trong những dịp lễ lớn như mừng tân gia, khai trương, khánh thành, năm mới,… như một lời cầu chúc may mắn. Dùng vạn niên thanh trong ngày lễ Tết ngụ ý sung túc tốt đẹp, trong hôn lễ là cầu chúc như ý, trong lễ mừng thọ là để chúc sống lâu. Trồng cây vạn niên thanh trong nhà còn giúp gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Cây phát lộc 

Đúng với tên gọi, cây phát lộc hay cây phất dụ, cây phát tài phát lộc là một trong những loại cây đứng đầu về phong thủy. “Lộc” được xem là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc tốt lành. Do đó, trồng cây phát lộc mang ý nghĩa gieo lộc ngày Tết, giúp gia đình may mắn, phát tài cả năm. Không chỉ vậy, loại cây này có dáng đứng hiên ngang, lại có thể sinh sống trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau do đó cũng tượng trưng cho sự vững chắc, bình an.

Thân cây phát lộc thẳng tắp hướng lên trên thể hiện sự hiên ngang và ý chí kiên cường. Tuy vậy nó cũng khá mềm dẻo, có thể dễ uốn nắn thành nhiều kiểu dáng khác nhau.
 
Đây là loài cây tập hợp cả nhu và cương trong cùng một cá thể tạo nên vẻ đẹp hài hòa vừa mạnh mẽ và uyển chuyển. Vì vậy trồng cây phát lộc cũng giúp các yếu tố phong thủy của ngôi nhà trở nên cân bằng hơn. Các chuyên gia phong thủy cho rằng, vị trí tốt nhất để đặt cây phát lộc trong nhà chính là phòng khách, phòng làm việc, còn phòng ngủ là nơi tránh đặt loại cây này. Hướng Đông và Đông Nam của căn phòng là vị trí phù hợp nhất để đặt cây phát lộc. Để khí được lưu chuyển tốt, nên đặt cây trên bàn có hình vuông, chữ nhật hoặc ở tab sofa.

 Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích