5 bệnh thường gặp sau bão lũ và các khuyến cáo cần biết

5 bệnh thường gặp sau bão lũ và các khuyến cáo cần biết

Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật.

Bệnh thường gặp sau bão lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (28/9), sau khi đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi bão số 4 – Noru đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bộ Y tế cảnh báo 5 loại bệnh có thể xuất hiện sau bão, khuyến cáo người dân chủ động phòng, tránh.

6-1664271058088

Bão số 4 gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng (Ảnh: TL)

Bệnh mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương, các bệnh như viêm kết mạc, đau mắt hột thường xảy ra sau khi mưa bão khoảng 10 ngày.

Nguyên nhân là do mắt phải tiếp xúc với chất bẩn, độc hại; vi sinh vật gây bệnh cho mắt phát triển mạnh do môi trường ẩm; người dân thiếu nước sạch để sử dụng. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.

Nếu dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung, hoặc phải tiếp xúc nhiều ruỗi, muỗi, đau mắt hột sẽ trở nặng, lông quặm, lông xiêu chọc vào gây viêm loét giác mạc, hóa sẹo hoặc loét thủng.

Sốt xuất huyết

Sau mưa lũ, các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.

Người bệnh có thể sốt kéo dài liên tục 2-7 ngày, trong đó nguy cơ trở nặng cao từ ngày thứ 4. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau đầu, đau hốc mắt, đau người, phát ban…

mua bao

Vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước mưa lũ làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật (Ảnh minh họa)

Bệnh da

Trong những đợt lũ lớn, nước dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa, vật dụng, người dân tìm đường thoát nạn, lực lượng cứu hộ nỗ lực giúp đỡ, giải cứu người dân dẫn tới sự tiếp xúc với nước mà không có các vật dụng bảo hộ là không thể tránh khỏi.

Những vùng nước này thường chứa mầm bệnh và hóa chất gây hại cho cơ thể. Một số chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong nước lũ bao gồm nước thải, dầu, xăng và các hóa chất gia dụng như sơn (đôi khi có chì) và thuốc diệt côn trùng…

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chú ý phòng, chống các bệnh ngoài da như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt,…

5-benh-ve-da-thuong-gap-sau-mua-lu-8bd-5305638-16354110031751438402876

Các bệnh về da thường gặp phải sau mùa bão lũ (Ảnh minh họa)

Bệnh hô hấp và tiêu hóa

Các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm đường hô hấp, viêm họng, tiêu chảy do ecoli, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A… cũng dễ xuất hiện vào mùa mưa bão do tiết trời ẩm ướt.

10 khuyến cáo phòng bệnh sau mưa bão

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

– Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

– Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

– Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

– Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.

– Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

– Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bạn cũng có thể thích