5.400 doanh nghiệp bất động sản ra đời trong 9 tháng dù dịch dã kéo dài

5.400 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời

Dù dịch COVID-19 mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng.

Ảnh: Phan Anh
Nhiều doanh nghiệp bất động sản mới thành lập bất chấp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: Phan Anh

Cụ thể, có đến 5.400 doanh nghiệp mới ra đời. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, toàn doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu tới 399.000 tỉ đồng.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 35% lượng tiền trái phiếu phát hành (khoảng 108.000 tỉ đồng). Một kênh đầu tư tiếp theo là cổ phiếu, thị trường chứng khoán có 81 doanh nghiệp bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dù tính chung giao dịch bất động sản có giảm so với năm 2019, tuy nhiên đã có sự khởi sắc trong 6 tháng đầu năm nay.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Khởi cho hay, hiện nay, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả n gười bán lẫn người mua.

Tỉ lệ hấp thụ dự án bất động sản tại Việt Nam rất cao

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tỉ lệ hấp thụ dự án bất động sản tại Việt Nam hiện rất cao.

“Đợt dịch đầu tiên năm 2020, giao dịch đã chạm mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2013, tỉ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, tôi khẳng định thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng.

Ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện COVID-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà đầu tư lấn vào bất động sản – thị trường có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công… Việc thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu”.

Ảnh: Phan Anh
Tỉ lệ hấp thụ sản phẩm bất động sản tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Ảnh: Phan Anh

Báo cáo thị trường bất động sản TPHCM quý 3.2021 của Savills Việt Nam cũng cho thấy, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 70% so với năm trước.

Do nguồn cung căn hộ hạn chế đã đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý 3/2021, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% tại 11 quận huyện. Trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, lên tới 12%.

Lý giải việc giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính.

“Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất”.

Theo Khương Duy/laodong.vn

https://laodong.vn/bat-dong-san/5400-doanh-nghiep-bat-dong-san-ra-doi-trong-9-thang-du-dich-da-keo-dai-963572.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích