41% số dân nông thôn trong tỉnh Lào Cai được sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam

41% số dân nông thôn trong tỉnh Lào Cai được sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam

Đó là kết quả triển khai thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) tại Lào Cai giai đoạn 2016 – 2022.

Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay WB tại Lào Cai, nhận thức của người dân trong việc vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường sống được nâng lên; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87,6%, có 35 xã đạt vệ sinh toàn xã.

z4528693664839_bce25d39343d873567493d60701969d1.jpg
Tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Từ nguồn vốn vay WB, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng mới và cải tạo 32 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn với hệ thống thiết bị xử lý lọc khử khuẩn hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trên toàn tỉnh.

Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%, có 41% số dân nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam (trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình tập trung đã đạt 15%, tăng 9% so với năm 2016), các công trình được quản lý và đánh giá bền vững.

Mục tiêu của Chương trình đã giao cho tỉnh Lào Cai thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2022:

Thực hiện mới 11.000 đấu nối cấp nước mới (tương đương 11.000 hộ dân hưởng lợi từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn);

Có 4.529 đấu nối cấp nước, tương đương 4.529 hộ dân có hệ thống cấp nước bền vững sau 2 năm sử dụng;

35 xã đạt vệ sinh toàn xã, trong đó 100% trường học chính các cấp, trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, có thiết bị, xà phòng rửa tay đầy đủ, sạch sẽ;

18 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững sau 2 năm, với tất cả các trường học chính, trạm y tế xã duy trì được tình trạng vệ sinh;

Hỗ trợ xây mới 5.150 nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh;

Xây dựng và cải tạo công trình cấp nước và nhà vệ sinh trường học, trạm y tế đảm bảo 100% trường học, trạm y tế đạt vệ sinh;

Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thông qua hợp phần: Truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá của Chương trình do 3 ngành (nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo) thực hiện.

Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan thường trực cho thấy, hiệu quả về kinh tế – xã hội do Chương trình mang lại rất rõ nét, đã giảm gánh nặng hằng ngày phải đi lấy nước xa khu vực sinh sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác, đặc biệt là tại các khu vực khan hiếm, khó khăn về nước. Đồng thời, việc cung cấp nước sạch ở những vùng khan hiếm nước sẽ giảm chi phí sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ, quản lý hiệu quả công trình và nộp tiền sử dụng nước hằng tháng. Người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện, giảm tình trạng bệnh tật trong cộng đồng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, góp phần giảm chi phí khám, chữa bệnh cho gia đình và xã hội.

z4528691269150_3e34294355295b655b1cebba9eb6995d.jpg
Kiểm tra công tác vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường “xanh – sạch – đẹp” góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Chương trình cũng đã góp phần giải phóng sức lao động của phụ nữ trong nhiều công việc nặng nhọc liên quan đến nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện vật chất và góp phần thực hiện bình đẳng giới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích