40 năm lưu giữ nghề đan nón làng Chuông giữa đất Yên Bái
40 năm lưu giữ nghề đan nón làng Chuông giữa đất Yên Bái
Gần 40 năm qua một người phụ nữ tại Yên Bái vẫn kiên trì, lặng lẽ với nghề làm nón lá làng Chuông để mưu sinh và lưu giữ nét văn hoá truyền thống đẹp của quê hương nơi bà sinh ra.
Trong các gian hàng trưng bày nhân Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra vào ngày 23/9 vừa qua nhiều người tham quan chú ý đến gian hàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Gian hàng đặc biệt này trưng bày sản phẩm là những chiếc nón lá được làm bởi một người phụ nữ quê gốc ở làng Chuông sinh sống tại Yên Bái gần 40 năm nay.
Cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Tâm cùng những chiếc nón làng Chuông
Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Chình, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Tâm, “những chiếc nón làng Chuông phiên bản Yên Bái” này được làm ra bởi bàn tay của bà Lê Thị Phèn (SN 1966) hiện đang sinh sống tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Bà Phèn sinh ra và lớn lên ở làng Chuông, (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) – một làng nghề làm nón lá lâu đời, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Chính vì thế mà từ nhỏ bà đã được mẹ truyền lại nghề làm nón của làng Chuông.
“Từ khi học lớp 1 tôi đã biết khâu nón. Nghề làm nón như đã ngấm vào máu của tôi giống như một thứ duyên nghiệp khiến tôi không thể bỏ nghề”, bà Phèn chia sẻ.
Bà Phèn kể, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, bà theo chồng lên Yên Bái và sinh sống cho đến nay với hành trang mang theo là mấy chiếc khung nón cùng một số đồ nghề làm nón.
Kể về công việc làm nón bà Phèn cho hay, những chiếc nón lá làng Chuông tuy mộc mạc giản dị nhưng phải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ như phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, vào khuôn, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi…. Đồng thời, cũng cần có những nguyên vật liệu tốt nhất để làm ra những chiếc nón đẹp.
Vì thế khi sống tại Yên Bái, nơi có rất nhiều nguyên liệu có thể sử dụng để làm nón như cây tre, cây guột,…. người phụ nữ này nhận thấy đây là điều kiện tốt để tiếp tục duy trì và phát triển nghề làm nón làng Chuông ngay tại mảnh đất này.
Tuy nhiên, để những chiếc nón làm ra tại Yên Bái nhưng vẫn mang hồn cốt của nón làng Chuông bà phải thường xuyên về làng Chuông hoặc nhờ người thân ở quê chọn mua các nguyên vật liệu như khuôn nón, lá nón và cả những cây kim, sợi cước, cuộn len chuyên dụng… kết hợp với những nguyên liệu sẵn có ở rừng núi Yên Bái kể trên.
“Việc tiếp tục theo nghề khâu nón được chồng tôi hết sức ủng hộ. Ông ấy thường chặt tre vót vòng cho tôi làm nón. Những chiếc vòng nón do ông ấy vót rất tròn, đẹp và cứng cáp. Nó sẽ giúp chiếc nón bền hơn”, người phụ nữ này chia sẻ.
Người phụ nữ gần 40 năm phát triển nghề nón làng Chuông tại Yên Bái
Mặc dù, trên thị trường có rất nhiều loại mũ có mẫu mã đẹp nhưng chiếc nón vẫn được nhiều người sử dụng. Chiếc nón vẫn là một vật dụng không thể thiếu của nhiều người, đồng thời cũng là sản phẩm để trang trí, đạo cụ để biểu diễn văn nghệ… Vì thế những chiếc nón do bà Phèn làm ra thường không đủ phục vụ nhu cầu của khách. Có những thời điểm, trong một phiên chợ bà bán được cả trăm chiếc nón. Nhiều người còn tìm đến tận nhà bà để đặt trước mới mua được nón.
Bà Phèn cho biết, những ngày này bà đang tất bật hoàn thành những chiếc nón đặc biệt được chủ nhân một căn biệt thự lớn tại địa phương đặt mua để làm chụp đèn trang trí trong nhà.
Đặc biệt, bà Phèn còn được nhiều người biết đến là người “mát tay” trong việc làm nón cưới. Tại Yên Bái hiện vẫn còn nhiều gia đình giữ truyền thống trao nón trong ngày cưới và nhiều người nhất định phải đặt nón cưới do bà Phèn khâu chứ không mua ở nơi khác. Những chiếc nón cưới thường được bà làm tỉ mỉ, bền chắc và trang trí nhiều hoạ tiết cầu kỳ. Xứng đáng là thứ lễ vật mang nhiều ý nghĩa trong ngày cưới được mẹ chồng trao nón cưới cho con dâu.
Bà Phèn kể, trong gần 40 năm sinh sống ở Yên Bái, bà đã làm nón cưới cho rất nhiều đôi trẻ. Có lần đôi vợ chồng sắp cưới đặt nón gấp quá mà lại hết nguyên liệu trang trí nên bà đã phải nhờ một giáo viên viết chữ và vẽ những bông hoa… lên giấy để trang trí cho chiếc nón. Bất ngờ là khi nhận nón đôi vợ chồng đó đã rất thích với cách làm mới đó. Gần đây nhất cũng chính bà là người làm nón cưới cho cặp đôi cô dâu 46 tuổi và chú rể 55 tuổi.
Theo bà Phèn, nghề khâu nón có thể là một nghề phụ đem lại thu nhập đáng kể những lúc nông nhàn cho nhiều chị em. Dù đang làm cả nông nghiệp, lẫn kinh doanh buôn bán nhưng bà vẫn duy trì nghề làm nón vì liên tục có người đặt mua. Nhiều khi chỉ cần tranh thủ 1 buổi tối là có thể khâu được một chiếc nón. Một chiếc nón đẹp đang được bà bán với giá từ 65.000 – 80.000 đồng. Riêng nón cưới có giá khoảng 120.000 – 150.000 đồng hoặc cao hơn tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách.
Ngoài việc phát triển nghề nón làng Chuông ngay tại Yên Bái, gia đình bà Phèn cũng trở thành đầu mối thu mua những nguyên liệu làm nón có tại Yên Bái để cung cấp ngược lại cho nhiều hộ làm nón tại làng Chuông. Đồng thời bà cũng sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những ai muốn học.
“Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức lớp học nghề làm nón do bà Phèn dạy. Sau khi chị em học xong thì sẽ thành lập tổ hợp tác phát triển nghề nón tại xã Nghĩa Tâm, giúp chị em có thêm một nghề phụ kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Tâm chia sẻ về định hướng phát triển nghề làm nón.