4 nhóm chính sách xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
(Xây dựng) – Sáng 10/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Báo cáo trước Hội thảo, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành tổng kết tình hình thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Trên cơ sở kết quả tổng kết tình hình thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). |
Qua tổng hợp ý kiến góp ý tại các cuộc hội thảo, hội nghị, văn bản góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp gửi về, Bộ Xây dựng đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã thể chế hóa 04 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua trong 11 Chương với 93 Điều của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó tập trung 4 nhóm chính sách đó là: chính sách về kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh dịch vụ bất động sản; chính sách về điều tiết thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh; chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, Chương I – Những quy định chung, gồm 12 điều; Chương II – Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn, gồm 10 điều; Chương III – Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, gồm 6 điều; Chương IV – Kinh doanh quyền sử dụng đất, gồm ba mục với 11 điều; Chương V – Chuyển nhượng dự án bất động sản, gồm 5 điều; Chương VI – Hợp đồng kinh doanh bất động sản, gồm 2 mục với 9 điều; Chương VII – Kinh doanh dịch vụ bất động sản, gồm 5 mục với 24 điều; Chương VIII – Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, gồm 5 điều; Chương IX – Điều tiết thị trường bất động sản, gồm 4 điều; Chương X – Quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản, gồm 4 điều; Chương XI – Các điều khoản thi hành gồm 3 điều.
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) báo cáo tóm tắt việc xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). |
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá rất cao dự thảo lần thứ 5 của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo các đại biểu, dự thảo lần này có nhiều điểm mới, khắc phục được hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp giải quyết những bất cập.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam góp ý, tại khoản 3 Điều 7, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định: “đối với các thông tin đã công khai theo quy định về bất động sản đưa vào kinh doanh mà sau đó có thay đổi thông tin phải được cập nhật trong thời hạn 24h kể từ khi có thay đổi”. Điều này rất khó cho doanh nghiệp nên đề nghị bãi bỏ hoặc đơn giản chỉ cập nhật thông tin theo yêu cầu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà đề nghị nên bổ sung cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình bất động sản du lịch. Điều này có lợi là huy động được nguồn vốn lớn từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nếu như Luật quy định chặt chẽ về điểm này thì sẽ không ảnh hưởng lớn.
“Tại điểm e khoản 3 Điều 15, quy định “công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất Nhà nước giao hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê” thì mới được đưa vào kinh doanh là bất hợp lý và chồng chéo với Luật Đất đai. Bởi theo Luật Đất đai thì thuê đất trả tiền hàng năm là được kinh doanh chuyển nhượng, nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại phải trả tiền thuê đất một lần mới được chuyển nhượng thì cũng khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo Luật nghiên cứu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và phù hợp Luật Đất đai”, ông Nguyễn Mạnh Hà góp ý.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều kiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án ngoài quyết định giao đất hoặc cho thuê đất thì chỉ cần thêm “hoàn thành nghĩa vụ tài chính” là được chuyển nhượng. Bởi việc chuyển nhượng dự án, một phần dự án là nhu cầu kinh doanh bình thường của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá các ý kiến góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản rất sát thực tế, Ban soạn thỏa sẽ nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý kiến của đại biểu.
“Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề, Bộ Xây dựng thận trọng cầu thị, mong muốn thể chế Nghị quyết của Đảng, tính lập hiến, tính đồng bộ và bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản lần này cố gắng điều chỉnh các hoạt động có liên quan tới hành vi và khắc phục những bất cập hiện nay” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng trình bày rõ hơn một số nội dung liên quan phạm vi điều chỉnh với mong muốn bao quát hết hoạt động kinh doanh bất động sản, các loại hình bất động sản theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người dân.
Trong đó sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách liên quan đến mô hình, hoạt động, giao dịch bất động sản qua sàn; mô hình, hoạt động môi giới bất động sản; nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường; xây dựng và công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản…
Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/3. |
“Tinh thần là phân cấp về địa phương để chủ động hơn, rà soát tính khả thi nhất để đi vào thực tế. Mong muốn Luật được ban hành khơi thông thị trường tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (năm 2023) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Nguồn: Báo xây dựng