4 người nguy kịch do ngộ độc methanol: ‘Tử thần’ từ rượu không rõ nguồn gốc

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre thông tin, 2 trong 4 trường hợp nghi ngộ độc methanol nhập viện tại bệnh viện đã qua cơn nguy kịch.
Bốn bệnh nhân từ 44 – 55 tuổi, làm vườn và thợ hồ, lần lượt nhập viện trước đó. Tại bệnh viện, 1 ca khi vào viện đã hôn mê, giãn đồng tử hai bên; xét nghiệm khí máu động mạch cho thấy toan chuyển hóa nặng. Các nạn nhân khác có chung biểu hiện lơ mơ, tiếp xúc chậm, khó thở. Các nạn nhân được hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu.
Sau khi được các bác sĩ điều trị, 2 nạn nhân qua cơn nguy kịch; 1 người được điều trị tích cực, sử dụng máy thở tại Khoa Hồi sức cấp cứu; 1 ca có biểu hiện sốc, suy đa tạng, tiên lượng rất xấu đã được các bác sĩ hội chẩn chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tất cả trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm độc chất methanol, hiện vẫn đang chờ kết quả chính thức.
Theo người nhà của bệnh nhân, trước đó, các bệnh nhân tổ chức tiệc uống rượu tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Khi uống hết rượu, những người này lấy chai cồn rửa tay ra uống tiếp. Sau khi nhậu xong, những người này có triệu chứng khó thở nên lần lượt nhập viện cấp cứu.
Các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết, ngộ độc rượu có hai dạng, thứ nhất ngộ độc do rượu thực phẩm thông thường (ethanol), thứ hai ngộ độc rượu thành phần là methanol. Đối với ethanol có thể sử dụng được như loại thực phẩm đồ uống, còn methanol có độc tính cao, không được uống.
Triệu chứng ngộ độc giữa rượu ethanol và methanol gần giống nhau, là đau đầu, nôn ói. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết rõ nhất khi ngộ độc methanol, bệnh nhân có triệu chứng mắt mờ, sau đó suy hô hấp cấp diễn tiến rất nhanh, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện bị ngộ độc methanol.
Trước đó, một trường hợp khác, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ do ngộ độc rượu chứa methanol. Bệnh nhân sinh năm 1967, có tiền sử nghiện rượu.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu khuyến cáo, ngay cả rượu có nguồn gốc thông thường ethanol nếu sử dụng không điều độ, quá liều hoặc lạm dụng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Riêng đối với rượu methanol, tuyệt đối không nên uống. Ngoài ra, uống nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến gan. Nghiêm trọng hơn, tình trạng nghiện rượu, lệ thuộc vào rượu dẫn đến nhiều bệnh lý thần kinh. Lạm dụng rượu kéo dài ảnh hưởng tới di truyền liên quan đến thế hệ sau.
Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật…
Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, ô xy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng; 15ml trở lên gây mù lòa; 30ml có thể gây tử vong.
Cũng theo Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Thậm chí, các loại rượu gây ngộ độc này còn được trà trộn với rượu truyền thống để thu lợi bất chính.
Từ góc độ chuyên môn, Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Phương Thảo – Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, trong trường hợp cần uống rượu thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ. Không nên uống quá 5 ngày/tuần. Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai/lon bia/ngày; khi uống bia không nên uống 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ ngày. Nữ thì bằng 1/2 của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.
Thanh Hiền (t/h)