4 loại hình sẽ giúp đô thị Việt Nam trở thành các cực tăng trưởng kinh tế
(Xây dựng) – Các đô thị rất cần trở thành những cực tăng trưởng kinh tế để phát triển xã hội vì đó là những không gian kinh tế mạnh nhờ tính tập trung kinh tế mật độ cao tại khu vực này.
Airbnb trở thành “chuỗi khách sạn” lớn nhất trên thế giới, nhưng không sở hữu một phòng khách sạn nào. (Ảnh: Internet) |
Đô thị cần trở thành cực tăng trưởng kinh tế
Các đô thị rất cần trở thành những cực tăng trưởng kinh tế để phát triển xã hội vì đó là những không gian kinh tế mạnh nhờ tính tập trung kinh tế mật độ cao tại khu vực này. Trên thế giới, đô thị hóa luôn luôn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Trung bình, khoảng 75% các hoạt động sản xuất kinh tế trên toàn cầu diễn ra tại các đô thị và tỷ lệ này đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển.
Lý thuyết về cực tăng trưởng đô thị xuất hiện vào khoảng những năm 1990 – 2000 chỉ rõ, các liên kết hiện đại hoá với các lĩnh vực khác nhau trong lãnh thổ đô thị và cả vùng đô thị. Cực tăng trưởng được thiết lập sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết mang lại sự đổi mới trong toàn bộ vùng lãnh thổ.
Từ năm 2015 đến nay, sự xuất hiện của các cực tăng trưởng bằng cách nhấn mạnh các doanh nghiệp sáng tạo, các ngành mũi nhọn, các ngành công nghiệp phụ trợ và mối quan hệ giữa các ngành trong kết nối và lan tỏa vùng chính là vai trò của sự đổi mới mô hình phát triển. Chính vì vậy, các nhà đô thị học đang nhắm vào các hình thái kinh tế giá trị gia tăng cao trong các siêu đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển đổi mô hình kinh tế mới.
Kinh tế đám đông
Theo nhà sáng lập nền tảng Crowdsourcing Week, Epi Ludvik Nekaj, nền kinh tế đám đông rộng lớn được đặc trưng bởi năm nguyên tắc cơ bản là con người, mục đích, nền tảng, tham dự và hiệu quả (còn gọi là nguyên tắc 5P).
Trong đó, nền kinh tế đám đông đang trao quyền, bao trùm, đột phá và lấy con người làm trung tâm. Nó cũng tạo ra những trải nghiệm có ý nghĩa và giá trị được chia sẻ. Tuy nhiên, nền kinh tế đám đông sẽ cần một phương tiện để tương tác và tạo ra kết quả. Đồng sáng tạo và tham dự được nhấn mạnh trong nền kinh tế đám đông và cộng đồng đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tương lai tích cực. Cuối cùng, nền kinh tế đám đông sẽ thúc đẩy các quy trình nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn về tài nguyên.
Từ cơ sở trên, Epi Ludvik Nekaj đi tới định nghĩa nền kinh tế đám đông là một hệ sinh thái năng động bao gồm những người làm việc hiệu quả thông qua một nền tảng với mục đích đạt được các mục tiêu cùng có lợi.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành của Chương trình Zero Gravity, Peter H. Diamandis định nghĩa, nền kinh tế đám đông là nguồn lực cộng đồng, huy động vốn từ cộng đồng, phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO), tài sản đòn bẩy và nhân viên theo yêu cầu.
Tất cả đã cách mạng hóa cách chúng ta kinh doanh. Các tài sản có đòn bẩy như xe của Uber hay phòng của Airbnb đã cho phép các công ty mở rộng quy mô với tốc độ nhanh. Các mô hình kinh tế đám đông này cũng dựa trên việc cung cấp nhân viên theo yêu cầu, cung cấp cho công ty sự nhanh nhẹn cần thiết để thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng. Ví dụ điển hình nhất là Airbnb đã trở thành “chuỗi khách sạn” lớn nhất trên thế giới, nhưng không sở hữu một phòng khách sạn nào. Thay vào đó, nó tận dụng (nghĩa là cho thuê) tài sản (phòng ngủ dự phòng) của đám đông với hơn 6 triệu phòng, căn hộ và nhà ở tại hơn 81.000 thành phố trên toàn cầu.
Kinh tế đêm
Hiệp hội chính quyền địa phương Anh (Local Government Association) định nghĩa thuật ngữ kinh tế ban đêm được sử dụng để mô tả một loạt các hoạt động, từ một chuyến đi đến rạp hát hoặc một bữa ăn gia đình đến một đêm đi chơi ở câu lạc bộ. Nền kinh tế hoạt động vào ban đêm là một phần quan trọng của các thị trấn, thành phố và ước tính mang lại hơn 60 tỷ bảng cho nền kinh tế Vương quốc Anh mỗi năm.
Tại Anh, nền kinh tế đêm được định nghĩa là các ngành công nghiệp tiêu chuẩn phân loại 2007 (SIC 2007) như hoạt động văn hóa và giải trí; các hoạt động hỗ trợ các hoạt động văn hóa và giải trí vào ban đêm; các dịch vụ xã hội cá nhân và sức khỏe 24 giờ; các hoạt động hỗ trợ các hoạt động kinh tế và xã hội rộng lớn hơn.
Kinh tế đêm diễn ra trong một không gian và thời gian gây tranh cãi, nơi nhiều nền kinh tế chính thức và không chính thức hoạt động từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng tương ứng với các cách trải nghiệm đêm đô thị khác nhau. Kinh tế đêm bao hàm các hoạt động như: Ăn uống, uống rượu, văn hóa và giải trí, các môn thể thao thường diễn ra vào buổi tối, chăm sóc sức khỏe, cảnh sát và cứu hỏa…
Kinh tế đêm có ưu điểm như giải trí cho mọi người, thường được chào đón sau khi kết thúc công việc trong ngày; tăng việc làm do chi tiêu địa phương; giảm sự loại trừ xã hội và tăng sức sống trong đô thị. Tuy nhiên, nó cũng có một số hạn chế như ô nhiễm tiếng ồn; tội phạm và hành vi gây mất trật tự xã hội, đặc biệt khi có liên quan đến chất cồn; ùn tắc giao thông.
Kinh tế đêm đang được xác định là một hướng phát triển nhằm thu hút và phát triển du lịch và văn hoá. Hiện tại, các thành phố du lịch nổi tiếng nhất thế giới hiện đều là cách thành phố phát triển kinh tế ban đêm rất mạnh như Pattaya (Thái Lan), New York (Mỹ), Macau (Trung Quốc), London (Anh)… Các thành phố này đều nằm trong Top 10 thành phố thu hút nhiều khách du lịch lớn nhất thế giới và đặc biệt nổi tiếng với những con phố ẩm thực, tiệc tùng, mua sắp, giải trí hoạt động thâu đêm.
Kinh tế đêm là một hướng phát triển nhằm thu hút và phát triển du lịch, văn hóa ở nhiều thành phố lớn. (Ảnh: Internet) |
Kinh tế công nghiệp văn hóa sáng tạo
Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm. Hiện nay, 11 ngành được coi là thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính.
UNESCO cũng quan niệm công nghiệp văn hóa là một phần của công nghiệp sáng tạo và định nghĩa cả hai là những lĩnh vực hoạt động có tổ chức với mục tiêu chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối hoặc thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động có nội dung bắt nguồn từ nguồn gốc văn hóa, nghệ thuật hoặc di sản.
Do đó, nền kinh tế văn hóa – sáng tạo và nghệ thuật định nghĩa là nền kinh tế tích hợp phát triển dựa trên sức mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo để phát huy hiệu quả các nguồn lực của kinh tế lẫn văn hóa.
Kinh tế phức hợp
Việc thúc đẩy một nền kinh tế phức hợp đích thực gắn liền với việc duy trì “các hoạt động hiện có và thu hút một nhóm đa dạng các hoạt động kinh tế mới, người dân và người sử dụng. Sự tích hợp của các hoạt động văn hóa, thương mại, sản xuất và giải trí theo mô hình làm việc – sống – học – chơi phù hợp với bản chất kết hợp của một cụm sáng tạo và lợi ích của việc chuyển giao kiến thức và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Kinh tế phức hợp tích hợp hay bao hàm cả kinh tế đám đông, kinh tế đêm và kinh tế công nghiệp văn hóa – sáng tạo. Một đặc trưng của kinh tế phức hợp là gắn chặt với văn hóa. Trong đó, cơ sở vật chất văn hóa đóng vai trò là chất xúc tác cho đầu tư và các hoạt động. Các hoạt động văn hóa làm cơ sở cho nền kinh tế ban đêm. Văn hóa có thể tạo ra một loạt các hoạt động và kết hợp sử dụng. Văn hóa có khả năng hình thành ý thức về bản sắc và ý nghĩa của một địa điểm. Văn hóa cũng có thể cung cấp thông tin cho quá trình thiết kế đô thị, đồng thời xây dựng thương hiệu cho địa điểm và các sản phẩm của nó.
Các đô thị đang đóng vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới với tư cách là những trung tâm lớn của hoạt động kinh tế và đổi mới. (Ảnh: Internet) |
Các đô thị đang dẫn dắt kinh tế thế giới
Năm 2008 là mốc đánh dấu kỷ nguyên của đô thị đã tới khi các thành phố trở thành nơi sinh sống của hơn 50% dân số toàn cầu. Năm 2019, Tổ chức phát triển kinh tế thế giới (OECD) đã ra tuyên bố, các đô thị đang đóng vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới khi chúng là những trung tâm lớn của hoạt động kinh tế và đổi mới.
Như vậy, đô thị hóa hiện nay đang là cơ hội để phát triển kinh tế. Đô thị hóa tạo ra bối cảnh phát triển thúc đẩy sự đổi mới của các cụm kinh tế, dẫn đến sự thay đổi lớn trong các hoạt động kinh tế và mô hình việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đổi mới sáng tạo, đi kèm với đa dạng hóa kinh tế trong các ngành cốt lõi để xây dựng các mô hình kinh tế mới. Sự tập trung sản xuất kinh tế tại các vùng đô thị lớn và các cụm đô thị là điều đặc biệt quan trọng để đảm bảo công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại Việt Nam.
Chính vì thế, đô thị Việt Nam, nhất là các siêu đô thị rất cần khả năng chuyển đổi theo các mô hình kinh tế mới, đô thị thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sáng tạo.
Nguồn: Báo xây dựng