4 cách thiết kế, cải tạo nhà ống tiết kiệm và đẹp
Nhà ống là thiết kế phổ biến nhất tại các đô thị ở Việt Nam, đồng thời là một loại hình công trình nhỏ đang có nhiều bất cập như không gian bí bách, quá trình xây dựng và sử dụng tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị… Do đó nếu có dự định xây dựng hay cải tạo nhà ống trong đô thị nên cân nhắc 4 thiết kế dưới đây.
Nhiều người nghĩ rằng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng là vấn đề chỉ có ở những công trình lớn, diện tích rộng, mức đầu tư khủng. Còn nhà ống ở phố thì không thể đẹp, đầy đủ ánh sáng, thoáng khí, tiết kiệm năng lượng.
Đây là một suy nghĩ đã lỗi thời. Nếu nhìn vào những công trình đầy sáng tạo như Stacking Green, BINH House,… có thể thấy nhà ống ở phố hoàn toàn có thể là kiến trúc xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Đặc thù nhà ống ở Việt Nam là chịu khí hậu nóng ẩm, với diện tích hạn chế, ít thông thoáng, thiếu ánh sáng. Do đó, giải quyết vấn đề điều hòa nhiệt, không khí và ánh sáng là quan trọng nhất.
Stacking Green – ngôi nhà ống giữa đô thị tấp nập làm thay đổi cách nhìn về kiến trúc xanh. Thay vì “rào” bằng tường bê tông, ngôi nhà có những bức tường bằng cây và cửa kính giúp làm mát tự nhiên. (Ảnh: Internet)
Thiết kế điều hòa nhiệt
Nếu có hướng nhà tốt (nam, đông nam) thì ngôi nhà đã giải quyết được một phần vấn đề điều hòa không khí. Tuy nhiên, trong đô thị “tấc đất tấc vàng” khó có được thế đất đẹp, cần biết “liệu cơm gắp mắm” để thiết kế sao cho ngôi nhà mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, từ đó có thể giảm năng lượng sử dụng cho việc làm mát bằng các thiết bị điều hoà nhiệt độ, quạt máy, lò sưởi…
Giải pháp kiến trúc để cách nhiệt và giữ nhiệt phải được giải quyết trên tổng thể kiến trúc. Đó là việc phân bố các không gian, các phòng chức năng hợp lý để tránh yếu tố bất lợi (nắng, mưa gió, kiến trúc xung quanh…), sử dụng kết cấu và vật liệu che chắn đúng chủng loại, quy cách, công năng để chắn nắng, chống nóng, sử dụng đúng vật liệu để khai thác ưu điểm của vật liệu cho mục đích đề ra…
Được thiết kế trên mảnh đất cực nhỏ, chỉ 10m2 nhưng ngôi nhà SMA254 (Q. Cầu giấy, Hà Nội) gây chú ý đặc biệt bởi lối thiết kế vô cùng độc đáo, chỉ bằng các vật liệu tôn, sắt, thép và kính. (Ảnh: Internet)
BINH HOUSE (Huyện Thạch Thất, Hà Nội) sử dụng gạch khoét lỗ để cây xanh bám vào, tạo thành bức tường tự nhiên điều hòa nhiệt độ cho cả căn nhà. Màu sơn trắng cũng góp phần giảm phản xạ nhiệt cho tòa nhà và tạo ra nhiệt độ mát hơn mà không cần thêm hệ thống làm mát cơ học. (Ảnh: Internet)
Thiết kế ánh sáng tự nhiên và thông thoáng
Một công trình được thiết kế chiếu sáng tự nhiên tốt sẽ tiết kiệm năng lượng đáng kể dành cho việc chiếu sáng, cùng với đó là sự thông thoáng và tính thẩm mỹ cao. Cần tối ưu hoá các không gian liên thông theo chiều đứng (giếng trời) và chiều ngang (hệ thống cửa, ban công) để tăng cường ánh sáng.
Giếng trời là thiết kế không thể thiếu cho những ngôi nhà ống.(Ảnh: Internet)
Bố trí nhiều cửa sổ, cửa chính và cửa dọc bên hông cầu thang cũng có thể “tranh thủ” cho ngôi nhà rất nhiều khoảng “thở”. (Ảnh: Internet)
Thiết kế vật liệu
Là các giải pháp đi sau gắn liền với giải pháp kiến trúc. Các giải pháp này hoàn thiện và hỗ trợ cho giải pháp kiến trúc. Đầu tiên, có thể xem xét các loại vật liệu bản địa để giảm chi phí, tiêu hao năng lượng chuyên chở; tiếp theo, có thể sử dụng các vật liệu không nung, kính phản nhiệt, kính cách nhiệt, các hệ cửa kín giúp cho công trình giữ nhiệt, máy điều hoà nhiệt độ công nghệ mới tiết kiệm điện, bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, pin mặt trời…
Thiết kế không gian xanh
Cây xanh cùng mặt nước đem lại môi trường trong lành, tăng cường hàm lượng oxy trong không khí, cải thiện chất lượng không khí, làm thông thoáng không gian. Cây xanh và mặt nước trong công trình cũng làm giảm bức xạ nhiệt của mặt trời vào công trình.
Cũng bị “kẹp nách” như bao ngôi nhà ống khác nhưng Breathing House (KTS. Võ Trọng Nghĩa) vẫn “dễ thở” đúng như cái tên nhờ giàn dây leo xanh mát bao phủ bên ngoài và len lỏi vào không gian nội thất. (Ảnh: Internet)
Nguồn: Báo xây dựng