Thời gian qua, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức riêng của một quốc gia mà đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn những hệ quả từ biến đổi khí hậu.

Theo đó, năng suất xanh (Green Productivity) là khái niệm do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đưa ra từ năm 1994. Đây là chiến lược nhằm nâng cao năng suất và hoạt động môi trường để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của con người. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Năng suất châu Á, vì vậy chúng ta đã tham gia các phong trào năng suất xanh cách đây 20 năm. Hiện nay, chúng ta được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của APO.

Năm 2021, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (lúc đó là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cùng với Tổ chức Năng suất châu Á tiến hành khảo sát 124 doanh nghiệp Việt Nam. Qua khảo sát cho thấy, hiểu biết của doanh nghiệp về năng suất xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững đã được nâng cao. Đa phần các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến các công cụ cải tiến năng suất gắn với bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về những động lực chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza, cho biết, khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường; nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu ô nhiễm được ban hành;

Các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ; Có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu tiên cho doanh nghiệp có các dự án thân thiện với môi trường; Doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng;…

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, việc áp dụng mô hình năng suất xanh với doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt một số rào cản, thách thức như: Chi phí đầu tư vào công nghệ đòi hỏi nhiều vốn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được; Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng về năng suất xanh, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và vận hành; 

Thông tin về công nghệ mới, các giải pháp năng suất xanh chưa được phổ biến rộng rãi, khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm và lựa chọn; Nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh đã tăng nhưng nhu cầu chưa thực sự lớn. Giá thành sản phẩm xanh thường cao hơn cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng e ngại khi lựa chọn sản phẩm; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh chưa rõ ràng và chi tiết.

Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Tú đã đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển năng suất xanh trong doanh nghiệp mình nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trước tiên là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý, cần ban hành các chính sách, quy định rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch;

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh, sản phẩm xanh; Tăng cường hỗ trợ tài chính như cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào năng suất xanh; Đưa ra các chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch…

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về năng suất xanh, chuyển giao công nghệ; Xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin, tư vấn về năng suất xanh. Các tổ chức quốc tế tạo điều kiện về nguồn vốn ODA cho doanh nghiệp có dự án năng suất xanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khác. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh;…

Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp năng suất xanh, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

Nội dung, thiết kế: Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích