3 vấn đề lớn của phong trào thanh niên trong thời đại mới
Sáng 26/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đối thoại cùng đoàn viên, thanh niên Việt Nam, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành nhân 93 năm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/2024).
Phong trào thanh niên sống được phải gắn với lợi ích của tập thể và dân tộc
Tại buổi gặp mặt, bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi về thách thức trong vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng, an toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với thanh niên – Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.
Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại.
“Bộ TTTT đã cung cấp những công cụ như vậy cho người dân tự bảo vệ mình, có thể truy cập địa chỉ khonggianmang.vn giải đáp các thắc mắc liên quan an toàn mạng. Đồng thời, cung cấp các giải pháp miễn phí cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.
Trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo chương trình Đề án 06, trong đó có phần xử lý an ninh mạng. Các bạn trẻ phải đi đầu, làm nòng cốt trong lĩnh vực này.
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi – Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng bày tỏ: “Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn “sống” được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào “Ba sẵn sàng” ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.
Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng”.
Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo
Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia, chị Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn hỏi Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?
Đáp lại câu hỏi của đại diện doanh nghiệp trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong 3 năm qua. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, người dân đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích. Đơn cử như hơn 97% đăng ký tuyển sinh trực tiếp thay vì bàn giấy, nhờ chia sẻ, xác thực dữ liệu.
“Mỗi bạn trẻ ngồi đây đều có một tài khoản ngân hàng, có được tài khoản ngân hàng bây giờ rất dễ dàng, hơn hồi xưa rất nhiều. Thời xưa, có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng, nhưng hiện nay, gần nhất tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động, không phải hiện diện. Đây là thành của nỗ lực mà chúng ta đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024 – Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc giới thiệu sơ lược về Đề án 06: Việt Nam hiện có trên 105 triệu dân, thống kê chi tiết này có được nhờ xây dựng dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống. Theo Nghị quyết 175, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng Trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia, có 8 dữ liệu được xây dựng như đất đai, tài chính… sẽ kết nối, chia sẻ ở trong nước và quốc tế.
“Như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tạo nền văn minh xã hội sau khi chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ và ít phải gặp cơ quan công quyền, giảm sự đi lại và chuyển sang kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam lọt nhóm 70 nước Chính phủ điện tử trên thế giới và năm 2030 là trong 50 nước”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Về cải cách hành chính, chị Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội mong muốn Chính phủ làm rõ giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dể hiểu.
Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ. Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.
Đại biểu dự chương trình – Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trả lời tiếp vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Mục tiêu lớn nhất là thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí thông qua cắt giảm thủ tục hành chính tối đa, ứng dụng chuyển đổi số, để người dân đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, chính quyền. Ngoài ra, chuyển đổi số ở vùng sâu xa thì quan trọng nhất là giải bài toán khó “sóng và điện”, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: Báo lao động thủ đô