Hiện nay, một trong những thách thức lớn mà xã hội đang đối mặt chính là nhu cầu xây dựng, duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền. Việc đạt được và duy trì một mức chất lượng cao trong cách chính quyền địa phương hoạt động có thể mang lại sự thịnh vượng kinh tế và phát triển xã hội bền vững. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần xây dựng hệ thống chính sách công mạnh mẽ, hiệu lực và tin cậy hơn thông qua việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng với mục đích cải tiến liên tục sản phẩm và dịch vụ công của mình.

Trên thế giới, một số quốc gia như Hà Lan, Pháp, Nhật, Ấn Độ, Philippines đã triển khai áp dụng ISO 18091:2019 với nhiều hình thức và mức độ áp dụng khác nhau nhằm tăng cường khả năng quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn với việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh, các chương trình chuyển đổi số trong cơ quan chính quyền.

Tại Việt Nam, những năm vừa qua việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã khẳng định vai trò của tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, hỗ trợ các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Quyết định 19/2014/QĐ-TTg tập trung vào phạm vi giải quyết các thủ tục hành chính. Do đó, để giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015 và đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của công dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về một chính quyền địa phương cung cấp sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, nhằm phát triển cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội, duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền thì việc nghiên cứu, triển khai áp dụng một tiêu chuẩn mới mang tính tổng thể và toàn diện là cần thiết.

Trong bối cảnh nêu trên, việc áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 sẽ giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng/công dân, các bên quan tâm có liên quan khác và hướng tới phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tiêu chuẩn ISO 18091 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng – Hướng dẫn áp dụng ISO 9001 tại chính quyền địa phương do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) ban hành lần đầu năm 2015 và soát xét, sửa đổi năm 2019. Ngày 31/12/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 Hệ thống quản lý chất lượng – Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế ISO 18091:2019.

Theo ông Đặng Đức Sơn – Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL), cấu trúc của TCVN ISO 18091:2020 gồm: Lời nói đầu; Lời giới thiệu; Các điều khoản từ 1 – 10 của TCVN ISO 9001:2015 được đóng khung để phân biệt với các hướng dẫn chi tiết được đưa ra cho từng điều; Phụ lục A (tham khảo) Công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương; Phụ lục B (tham khảo) Các quá trình quản lý chất lượng tổng thể; Phụ lục C (tham khảo) Cơ chế tham gia toàn diện của công dân; Phụ lục D (tham khảo) Mối quan hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, các hệ thống đo lường, quản lý khác và tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho chính quyền địa phương. Thực tế, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 đối với các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đang tập trung vào nhóm các cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, còn đối với các cơ quan tổ chức khác nằm trong diện khuyến khích áp dụng.

Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020, đối tượng áp dụng được quy định cụ thể hơn là chính quyền địa phương. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 thì hiện tại ở Việt Nam chia nhóm các chính quyền địa phương bao gồm:

Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm: Chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; Chính quyền địa phương ở đô thị gồm: chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn; Chính quyền địa phương ở hải đảo; Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Ở mỗi cấp chính quyền có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền khác nhau. Do vậy khi áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại cấp chính quyền nào cần xem xét tính đầy đủ về cơ cấu tổ chức tại cấp chính quyền đó để xác định đối tượng cho đầy đủ và phù hợp.

Hiện nay, việc áp dụng TCVN ISO 18091:2020 đang trong quá trình nghiên cứu thí điểm. Trong năm 2023, hỗ trợ triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 Chương trình phối hợp giữa UBND TP.Hải Phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và một số địa phương khác có nhu cầu.

Theo đó, TP.Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng thí điểm hệ thống quản lý chất lượng này vào hoạt động của chính quyền địa phương và kết quả áp dụng thí điểm tại quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố sẽ được xem xét áp dụng trên phạm vi toàn thành phố, đồng thời làm cơ sở, căn cứ để Bộ KH&CN nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ triển khai trên phạm vi cả nước.

Sau quá trình triển khai thực hiện áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 tại Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, việc triển khai áp dụng TCVN ISO 18091:2020 được thực hiện thí điểm tại 12 UBND quận, huyện, phường, xã gồm 03 quận, 03 huyện, 03 phường và 03 xã: UBND quận Hải An và UBND phường Đằng Lâm; UBND Quận Ngô Quyền và UBND phường Cầu Tre; UBND quận Hồng Bàng và UBND phường Hoàng Văn Thụ; UBND huyện Thủy Nguyên và UBND xã Thủy Sơn; UBND huyện Tiên Lãng và UBND xã Tự Cường; UBND huyện Kiến Thụy và UBND xã Du Lễ.

Kế hoạch được triển khai thực hiện với 06 nội dung chính: Khảo sát thu thập thông tin sơ bộ cho việc áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan; Đào tạo nhận thức cơ bản, chuyên sâu về Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020; Hướng dẫn triển khai xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan; Hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan; Báo cáo, đánh giá tình hình triển khai áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan; Tổng kết, báo cáo UBND thành phố và Bộ KH&CN về kết quả thực hiện áp dụng thí điểm Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020.

Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng phối hợp Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan áp dụng thí điểm, tổ chức triển khai kế hoạch đúng tiến độ, hoàn thành 3/6 nội dung, trong đó, thực hiện khảo sát thu thập thông tin sơ bộ trực tiếp tại 12 UBND quận, huyện, xã, phường thí điểm; tổ chức 6 lớp đào tạo phổ biến kiến thức chung về tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 đến cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn của 12 cơ quan thí điểm; tổ chức 12 buổi đào tạo, hướng dẫn, diễn giải chi tiết về Bộ Chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể đến Ban chỉ đạo ISO, Tổ công tác ISO và các công chức chuyên môn được giao nhiệm vụ; tổ chức hướng dẫn các cơ quan thí điểm xây dựng Bộ Chỉ số và thành lập Hội đồng đánh giá, chấm điểm năm 2023.

Đến nay có 12/12 cơ quan ban hành quyết định phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo Tiêu chuẩn ISO 18091:2020 tại địa phương năm 2023. Từ nay đến cuối năm 2023, các cơ quan áp dụng thí điểm thực hiện đánh giá theo Bộ Chỉ số đã công bố; phân tích kết quả tự đánh giá và xây dựng Chương trình hành động xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan thí điểm; triển khai Chương trình hành động; tổng kết báo cáo kết quả thực hiện.

Thiết kế: Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích