240 ngày đêm thi công thần tốc dự án điện gió lớn nhất Việt Nam

Gần đây nhất, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đã chính thức vận hành thương mại (COD) vào ngày 31/10, kịp hưởng giá ưu đãi 8,35 cent/kWh trong 20 năm. Đây được xem là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam đặt nền móng vững chắc cho ngành năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đổi thay ở vùng đất “đầy gió”

Có thể nói, năm 2021 là thời điểm vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp khi các hoạt động đều bị gián đoạn, ngưng trệ trên đa số mọi lĩnh vực. Đặc biệt, những mảng kinh doanh bao gồm: Năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, bất động sản… cũng đều bị “kiệt sức”. Song, với bản lĩnh của một doanh nghiệp đã có gần 20 năm kinh nghiệm trên thương trường, Trungnam Group đã khéo léo và bền bỉ giữ vững tiến độ thi công tại những công trình, dự án trên các tỉnh thành, đặc biệt là dự án Nhà máy điện gió Ea Nam.

Được khởi công vào ngày 2/6/2021, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích khoảng 6.000ha tại các xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Nằm giữa vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đầy nắng và gió, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk, nơi đây được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng và nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, với tổng công suất dự kiến có thể đạt khoảng 10.000MW, tiềm năng gió trên 6,0m/s. Đặc biệt, tọa lạc ngay tại huyện Ea H’leo, vùng đất có khí hậu nắng nóng khắc nghiệt cùng với hạn hán kéo dài, kết hợp cùng lợi thế về tốc độ gió cao và hướng gió tương đối ổn định. Đây là những “điểm cộng” hứa hẹn cho dự án Nhà máy điện gió Ea Nam phát triển trong tương lai.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tọa lạc tại huyện Ea H’leo, vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, lợi thế về lượng gió cao, tốc độ gió tương đối ổn định, thích hợp phát triển những dự án năng lượng tái tạo.

Trải qua chặng đường 240 ngày đêm đầy gian nan với muôn vàn thử thách, khi bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến khó khăn, việc đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc cấp phép vận chuyển thiết bị phải kéo dài hơn bình thường do làm việc online; trên hành trình vận chuyển các thiết bị điện gió, đội ngũ phải dừng lại nhiều địa phương để làm thủ tục. Đặc biệt, càng khó khăn hơn trong quá trình vận chuyển di dời các chướng ngại vật đảm bảo chiều cao và khoảng cách an toàn khi vận chuyển đặc biệt qua các khúc cua, đèo dốc cao.

Những ngày đầu tháng 9/2021 là khoảng thời gian dự án chạy nước rút cũng là lúc mùa mưa tại Đắk Lắk bắt đầu và kéo dài triền miên, thời tiết mưa gió, đường trơn trượt và nhiều đoạn lầy, dự án phải thực hiện thêm khâu cải tạo đường, mở rộng góc cua, đệm các tấm chống trượt… để việc giao thông được thuận lợi. Bên cạnh đó, điều động đội ngũ công nhân thi công chia làm 3 ca liên tục cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành tiến độ và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Song, bằng sức mạnh của một tập thể vững vàng được hun đúc từ những gian nan, đây không phải là lần đầu tiên Trungnam Group dám chọn thi công những dự án lớn và chạy đua gấp rút tại một trường đua khốc liệt với thời gian. Với bản lĩnh và sự kiên cường vốn có, dự án đã hoàn thành trước sự ngỡ ngàng lẫn hoài nghi của không ít người, chính thức vận hành thương mại (COD) vào ngày 31/10 và kịp hưởng giá ưu đãi FIT trong 20 năm.

Quá trình vận chuyển các thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng qua các khúc cua, đèo dốc cao.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 chia sẻ: “Việc thi công giống như hành quân đánh trận, cả đội ngũ phải phối hợp nhịp nhàng trong từng công tác. Từ thành lập Ban chỉ đạo và các tổ đội lắp đặt thi công luân phiên thực hiện các giai đoạn từ san nền, thi công móng trụ, lắp đặt trụ, thi công trạm biến áp và các đường dây đấu nối của dự án… Bên cạnh đó, tổ chức xe đưa đón người lao động cũng như các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn toàn bộ phạm vi dự án, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến tiến độ thi công”.

Chinh phục những miền đất “khó”

Có thể nói, năng lượng tái tạo là một lĩnh vực mới mẻ, khó khăn nhưng đầy hấp dẫn đối với những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế vững mạnh. Đặc biệt hơn, Trungnam Group là đơn vị hiếm hoi trong nước tự lắp đặt, xây dựng dự án của chính mình để kiến tạo nên đại công trình tại một trong những vùng đất khắc nghiệt ở Việt Nam.

Dự án được thi công đúng thời hạn là sự chung sức – đồng lòng của tập thể cán bộ hơn 4.200 thành viên. Trong suốt thời gian đầu tư thực hiện dự án Trungnam Group đã hỗ trợ kinh tế, xã hội cho cộng đồng với số tiền lên đến 60 tỷ đồng. Khi dịch bệnh bùng phát tại Đắk Lắk, Trungnam Group đã ủng hộ các trang thiết bị y tế có giá trị để vượt qua đại dịch.

Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, nhận định: “Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các đơn vị khác đã kịp thời tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc của dự án để UBND tỉnh chỉ đạo; cùng với nhà đầu tư chung tay, nỗ lực để triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án để người dân hiểu rõ, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Bởi, không hoàn toàn giống như một số dự án đầu tư khác, quá trình và quy trình đề xuất, thực hiện các dự án điện gió phức tạp hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Giờ đây, khi dự án đã hoàn thành xong, nhớ về những ngày tháng ấy, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, vẫn không hết hồi hộp: “Cảm xúc của chúng tôi khi nhìn lại quãng thời gian thi công ấy mới cảm thấy đúng là một kỳ tích trong tình hình và điều kiện khó khăn chung dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng tôi đã hoàn thành dự án điện gió 400MW lớn nhất cả nước tính tới thời điểm hiện tại trong thời gian 5 tháng thi công, một tiến độ thần tốc ngay cả trong điều kiện bình thường cũng chưa dự án điện gió nào làm được”.

“Đây là một cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian cả ngày lẫn đêm, chỉ cần dậm chân tại chỗ thì đã bị thụt lùi. Với mỗi sự cống hiến nhỏ bé của từng nhân sự đã chung sức vì mục tiêu chung. Chúng tôi tin rằng là cán bộ, công nhân viên được tham gia dự án, mỗi cá nhân đều cảm thấy tự hào mỗi khi nhìn thấy cánh quạt của các trụ gió quay đều trên vùng đất Tây Nguyên”, ông Vũ Đình Tân, bộc bạch.

Một góc chụp của dự án khi đã thi công và đưa vào vận hành thương mại.

Nhà máy Điện gió Ea Nam được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung và huyện Ea H’leo nói riêng, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, đánh giá: “Dù bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến dự án, nhưng hiện nay dự án đã được đưa vào vận hành thương mại đúng thời hạn là nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư và sự phối hợp, hỗ trợ của huyện Ea H’leo trong nhiều công tác. Đây là tín hiệu đáng mừng báo hiệu cho sự phát triển các vùng công nghiệp năng lượng gió của huyện Ea H’leo nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện, làm tiền đề để thu hút đầu tư trên địa bàn”.

Cái nắng, cái gió tại vùng đất đỏ Tây Nguyên đang dần được chinh phục để thu về thứ quả ngọt, lành! Nhưng bên cạnh đó cũng là những nỗi niềm khó sẻ chia, là ấp ủ của Trungnam Group cũng như các nhà đầu tư khác cho những kế hoạch dài hơi để tiếp tục hiện thực hóa những dự án năng lượng tái tạo. Qua đó, đặt nền móng vững chắc cho ngành năng lượng tái tạo nước nhà, mở ra kỷ nguyên mới cho các nhà đầu tư dấn thân sâu rộng hơn vào lĩnh vực đầy thử thách này…

Đắk Lắk – vùng đất đầy tiềm năng về năng lượng tái tạo

Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng không riêng gì dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam, nhiều dự án năng lượng tái tạo khác đang được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, với tổng số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án FDI thuộc lĩnh vực điện gió, có tổng vốn đăng ký đạt 10.088 tỷ đồng. Ngoài dự án điện gió Ea Nam, hiện trên địa bàn tỉnh còn có dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên – giai đoạn 1, công suất 28,8MW; có 9 dự án với tổng công suất 742MW đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực. Về điện mặt trời, tỉnh Đắk Lắk có 10 dự án, công suất 1.020MWp đưa vào vận hành phát điện thương mại. Đến nay, 3 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện với tổng công suất 480MWp, đang thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra, có 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.768MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các sở, ban ngành của tỉnh và địa phương liên quan phối hợp cùng với các nhà đầu tư chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án để người dân hiểu rõ, chia sẻ những khó khăn, thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân…

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích